Thăm dò ý kiến
Theo bạn, Trang thông tin điện tử Ban Dân Tộc thành phố Hà Nội có cung cấp đầy đủ thông tin hoạt động của Ban không?



Mã xác nhận

FE_View_Detail

Toàn văn bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Đức Chung - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội
 

 Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Đức Chung - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Thành phố lần thứ III.


Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Đại hội

  • Đại hội chúng ta đã được nghe tóm tắt báo cáo chính trị cũng như một số tham luận và ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Đề nghị lãnh đạo Ban Dân tộc thành phố tiếp thu, hoàn chỉnh báo cáo chính trị đại hội và có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện.

  • Thủ đô Hà Nội là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; là nơi phản ánh sự đa dạng về phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Hiện nay, thành phố có hơn 8 triệu người, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 1,3%. So với một số tỉnh, thành phố trong cả nước, đây là tỷ lệ không cao. Tuy nhiên, trải qua các thời kỳ cách mạng, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, đồng bào các dân tộc thiểu số Thủ đô đã phát huy truyền thống đoàn kết, cách mạng, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng trong đấu tranh dựng nước, giữ nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; năng động, sáng tạo, triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trên địa bàn Thủ đô. 

  • Trong những năm qua, thành phố đã quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành nghị quyết; UBND thành phố ban hành các kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô; giai đoạn 2013-2015, ngân sách thành phố đã bố trí 837,5 tỷ đồng đầu tư thực hiện 105 dự án; giai đoạn 2016-2020, ngân sách thành phố dự kiến bố trí nguồn vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, đến nay đã cấp 850 tỷ đồng để triển khai thực hiện các dự án vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hầu hết các dự án được triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, phát huy hiệu quả. Ngoài ra, các quận đã hỗ trợ 92 tỷ đồng để xây dựng 46 nhà văn hóa thôn ở các xã vùng dân tộc thiểu số miền núi thành phố. 

  • Cùng với đó, các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ - nơi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số đã ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi phù hợp với thực tế của địa phương; góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác dân tộc và đã đạt được kết quả tích cực như Báo cáo chính trị khẳng định.

  • Kinh tế - xã hội các xã miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bước tăng trưởng khá, bình quân trên 12%/năm, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, kết cấu hạ tầng được cải thiện rõ rệt. Khu vực nông thôn miền núi đã hình thành một số mô hình sản xuất tiêu biểu đạt hiệu quả kinh tế cao; môi trường rừng được khôi phục, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 80%; kinh tế dịch vụ - du lịch phát triển theo hướng tích cực, mỗi năm các khu du lịch vùng dân tộc, miền núi đón hàng triệu lượt khách và thu hút hàng nghìn lao động, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho đồng bào.

  • Công tác xóa đói, giảm nghèo có sự chuyển biến rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi giảm từ 13,38% năm 2016 xuống còn 3,72% vào cuối năm 2018, không còn hộ đói, thu nhập bình quân đầu người các xã vùng dân tộc thiểu số tăng từ 15 triệu đồng/người năm 2014 lên 35 triệu đồng/người năm 2018, có xã đạt trên 46 triệu đồng/người/năm.

  • Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, hoàn thiện. Công tác giáo dục, y tế, văn hóa được quan tâm. Đến nay, toàn vùng dân tộc thiểu số có 33/62 trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh phổ cập tiểu học và trung học cơ sở đạt 100%; tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm học giai đoạn 2017-2018 đạt trên 95%. 100% số xã đồng bào dân tộc có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% số hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm khám chữa bệnh miễn phí; chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng lên. 100% số trẻ em dân tộc được tiêm chủng theo độ tuổi. 14/14 xã có điểm bưu điện văn hóa phục vụ nhu cầu vận chuyển thông tin, hàng hóa nhỏ của người dân ra ngoài địa phương. 100% số hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt. Hệ thống điện thoại, internet, báo chí đến từng thôn. Có 100/153 thôn đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, trên 85% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số được duy trì và phát triển. An ninh quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

  • Khối đại đoàn kết giữa các dân tộc không ngừng được củng cố vững chắc, lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường. Vùng dân tộc miền núi của Thủ đô hôm nay, chúng ta không chỉ vui mừng trước những đổi thay của bộ mặt nông thôn mới, mà còn được chứng kiến những thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của đồng bào các dân tộc qua các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Từ những phong trào ấy, đã xuất hiện không ít những hộ đồng bào dân tộc giỏi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế trang trại, vườn rừng; mở thêm ngành nghề tiểu - thủ công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cho bà con trong vùng. Không ít những già làng, trưởng dòng họ tộc đã trở thành trung tâm đoàn kết các dân tộc, tích cực tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng đời sống văn hóa mới ở cơ sở.

  • Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi nhiệt liệt biểu dương sự cố gắng vươn lên và những thành tựu mà cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc thiểu số Thủ đô đã đạt được trong thời gian qua. Nhiệt liệt biểu dương những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của đồng bào các dân tộc thiểu số, mong các Bác, các đồng chí tiếp tục nêu gương sáng, đi đầu góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.

  • Tự hào với những thành tựu đạt được, song phải thẳng thắn thừa nhận: Vùng dân tộc miền núi của Thủ đô vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Tốc độ tăng trưởng kinh tế còn thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm và chưa vững chắc; sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn phát triển chậm; kết cấu hạ tầng tuy đã được tăng cường nhưng chưa đồng bộ; tỷ lệ hộ nghèo một số địa phương còn cao so với bình quân chung của thành phố. Đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, nhất là cán bộ cấp xã còn nhiều hạn chế; những năm qua, tình trạng di cư tự do của một bộ phận người Dao ở xã Ba Vì vẫn còn; tư tưởng ỷ lại trông chờ của chính quyền ở một số địa phương còn chậm được khắc phục; số người không biết nói tiếng dân tộc của mình ngày một có xu hướng tăng.

  • Để thực hiện mục tiêu Nghị quyết 24-NQ/TƯ về công tác dân tộc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Hội nghị lần thứ bảy, trong thời gian tới các sở, ban, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc miền núi Thủ đô cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

  • Một là, tiếp tục phát động sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh; vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, dần thu hẹp khoảng cách giữa đồng bằng và vùng miền núi của Thủ đô.

  • Hai là, cần có giải pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tổng kết, đánh giá ưu điểm, hạn chế, bất cập trong việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, đồng thời nghiên cứu, tích hợp các chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số; trước mắt tập trung nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất đối với 14 xã dân tộc miền núi giai đoạn 2019-2020.

  • Ba là, phát triển toàn diện văn hóa dân tộc thiểu số; giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa thông qua bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân vùng dân tộc thiểu số. Ban Dân tộc thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện tham mưu xây dựng, đề xuất UBND thành phố ban hành Đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số.

  • Bốn là, cụ thể hóa các chủ trương, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc liên quan đến quốc phòng và đảm bảo an ninh vùng dân tộc thiểu số. Động viên người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi tích cực tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


  • Năm là, chú trọng chính sách đặc thù tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, quản lý, sắp xếp, sử dụng, nâng cao chất lượng cán bộ người dân tộc thiểu số đảm bảo tính kế thừa vững chắc. 

  • Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố hôm nay là biểu tượng của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là dịp để biểu dương, tôn vinh những đóng góp của đồng bào các dân tộc thiểu số Thủ đô đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...”. Phát huy truyền thống đoàn kết, cách mạng, một lòng son sắt theo Đảng, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô tin tưởng rằng, đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, chung sức, chung lòng xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
in Quay trở lại
Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào các dân tộc
Dự báo thời tiết
Thành phố:

23oC

Độ ẩm: 94%

Tốc độ gió: 8 km/hkm/h

Cập nhật lúc 00:22:03
ngày 2024-03-29