Thăm dò ý kiến
Theo bạn, Trang thông tin điện tử Ban Dân Tộc thành phố Hà Nội có cung cấp đầy đủ thông tin hoạt động của Ban không?
Mã xác nhận

FE_View_Detail

Người thầy thuốc của dân làng
 

  •  Một chiều cuối tháng 10 theo con đường bê tông dài hơn 1 km, từ Ủy ban nhân dân xã Ba Vì, huyện Ba Vì tôi tìm tới nhà bà Triệu Thị Thanh ở thôn Hợp Sơn. Trên đường, cây rừng rì rào, những đàn chim bay nháo nhác trong cơn mưa kéo đến. Mây xà quanh sườn núi, tạo cảm giác trầm buồn.

  • Trong căn nhà thơm mùi thuốc nam, xung quanh là núi đồi, cây cối xanh tốt, nói với tôi về cái nghề đã gắn bó cả cuộc đời mình bà Thanh kể: Ngày nhỏ, tôi thường theo mẹ lên rừng tìm hái cây thuốc. Mẹ chỉ bảo cho tôi loại cây thuốc nào chữa bệnh gì và liều lượng bao nhiêu là đủ. Nhiều năm đi cùng mẹ, với những kiến thức, kinh nghiệm của mẹ truyền dạy, tôi đã học được nghề của bà.

  • Mỗi khi trong làng, trong xã có người bị bệnh đột xuất, không ngại đêm tối hay mưa rét, bà Thanh đến tận nơi tận tình, chu đáo khám chữa cho người bệnh. Nhớ lần bà khám bệnh thấp khớp cho chị Nguyễn Thị Hoa ở huyện Thạch Thất. Sau khi bà bốc thuốc, chị Hoa có vẻ ngần ngại với lý do không đủ tiền. Bà Thanh cười vui vẻ đưa túi thuốc cho chị Hoa và nói tôi biếu chị. Hay trường hợp của chị Triệu Thị Luyến, người trong thôn Hợp Sơn, bị bệnh sỏi thận phải đi cấp cứu ở bệnh viện, sau khi uống thuốc của bà đã khỏi hẳn. Chị Hoa, chị Luyến chỉ là hai trong số rất nhiều bệnh nhân nghèo đến khám, lấy thuốc bà Thanh đều không lấy tiền. Khi khỏi bệnh họ với gương mặt vui vẻ cùng những con gà, cân gạo nếp, chai rượu… đến để cảm ơn bà.


Bà Triệu Thị Thanh hái lá trong vườn thuốc nam của gia đình


  • Xuất thân từ núi rừng bà Thanh có nét mộc mạc, thật thà. Bà tâm niệm người nghèo đến chữa thì mình làm phúc cho họ, bởi người ta đang cần thuốc, mà cứu người như cứu hỏa ngay lúc ấy mà không có thuốc thì họ đau lắm. Nhờ đức tính quý báu đó mà bệnh nhân của bà rất đông. Hơn 50 năm gắn bó với nghề, bà đã chữa khỏi bệnh cho không biết bao nhiêu người. Bà được người dân trong thôn, trong xã kính trọng không chỉ bởi kinh nghiệm trong việc chữa bệnh, mà còn ở hành động vì cộng đồng sâu sắc. Bà đã đóng góp một phần công sức không nhỏ trong việc chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.

  • Nghề thuốc nam của người Dao được truyền theo cách trực quan. Các thế hệ trong gia đình truyền cho nhau mà không ghi chép lại, nên phải là người tâm huyết với nghề thì mới có thể nhớ, học và duy trì được nghề. Nguồn dược liệu là các loại cây mọc trên rừng.

  • Chỉ tay về phía đỉnh núi Ba Vì, bà bảo: Sinh ra bà đã gắn bó với rừng. Để có được những vị thuốc quý hiếm, bà theo mẹ lặn lội trong rừng sâu, núi cao tìm kiếm. Chỉ đi hái thì cây thuốc sẽ dần cạn kiệt. Nghề làm thuốc chữa bệnh của người Dao sẽ có nguy cơ mai một. Rồi từ ngày rừng quốc gia Ba Vì trở thành khu rừng cấm khai thác nên không thể lên núi hái thuốc như trước. Bà luôn trăn trở, phải làm thế nào để giữ gìn những cây thuốc quý, để những bài thuốc của người Dao được lưu truyền mãi. Bà Thanh đã đi tìm nguồn cây thuốc từ các địa phương khác như Phú Thọ, Hòa Bình, Tuyên Quang, Yên Bái... mang về trồng tại vườn nhà để gây giống. Ở thôn Hợp Sơn bây giờ, vườn của nhà bà là vườn thuốc duy nhất có trên 100 loại cây thuốc, trong đó có những loại cây thuốc quý được trồng mà thời gian cho thu hoạch phải đợi từ 10 đến 20 năm. Giờ đây bà không phải đi lang thang kiếm cây thuốc. Bà vừa nói, vừa cười, nhưng khóe mắt loáng lệ. Có lẽ bà đang nhớ lại một thời lận đận, cam go trên những nẻo đường tìm kiếm cây thuốc.

  • Hiện nay, ở xã Ba Vì có nhiều người biết nghề thuốc nam, nhưng để am hiểu tường tận về từng loại cây, vị thuốc như bà Triệu Thị Thanh, thì không phải ai cũng có được. Bà Thanh thông thạo khoảng 500 loại cây thuốc và chế được cả trăm bài thuốc. Bà đang là “mỏ vàng” của người Dao Ba Vì.

  • Bà Thanh kể với tôi về các loại cây vị thuốc trên núi Ba Vì để chữa bệnh như cây địa ùi chữa ốm yếu; cây B1 dùng làm tăng lực, đổi sữa cho người mới sinh; cây máu người dùng làm thuốc bổ máu; cây kim giao để chữa ho. Đặc biệt, củ dòm là vị thuốc quan trọng có thể chữa được nhiều loại bệnh như dạ dày, rối loạn tiền đình, thấp khớp, gout, ung thư, giảm đau... Từ các loại cây thuốc, bà Thanh đã bào chế được nhiều bài thuốc chữa các nhóm bệnh như ho, ho lao, viêm phổi, viêm mũi, viêm xoang, dạ dày, đại tràng, phong tê thấp, thấp khớp... 
  •  

  • Với lòng yêu nghề, bà đã truyền những kinh nghiệm của mình cho các con. Bà Triệu Thị Thanh sinh được 5 người con trai. Theo phong tục người Dao, nghề thuốc chủ yếu do phụ nữ đảm nhận và việc truyền nghề thường chỉ giới hạn cho con dâu hoặc con gái. Hiện có 4 người con dâu đang nối nghiệp của bà. Chị Triệu Thị Hương, con dâu thứ 4 của bà Thanh chia sẻ: “Trước đây, tôi thường theo mẹ Thanh lên núi tìm kiếm cây thuốc. Khi tôi nhận biết được các loại cây thuốc thì được mẹ dạy cách khám bệnh và bốc thuốc chữa bệnh”.

  • Hơn 50 năm trước, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, hơn 2.000 người Dao đã xuống sống dưới chân núi và lập nên xã Ba Vì thuộc huyện Ba Vì ngày nay. Chia tay đỉnh núi, nỗi buồn vời vợi. Nhưng cuộc hạ sơn ấy, lại như một cuộc đổi đời cho những người Dao nơi đây. Mặc dù xã có diện tích tự nhiên 2.540 ha nhưng diện tích sử dụng chỉ là 340 ha, còn lại do Vườn Quốc gia Ba Vì quản lý. Điều đáng nói, đất trồng lúa chỉ có khoảng 20 ha, còn lại là đất đồi rừng trồng sắn, dong riềng. Vì lẽ này mà đến bây giờ, khi nhiều nơi đã xóa nghèo, xây dựng thành công nông thôn mới thì xã người Dao Ba Vì vẫn còn tới hơn 16% hộ nghèo (theo chuẩn nghèo mới).

  • Trong hoàn cảnh khó khăn, có người tâm huyết với nghề thuốc như bà Thanh đã biết dựa vào vốn liếng quý báu được truyền lại từ cây thuốc nam để tạo dựng cuộc sống. Bà đã hướng dẫn, giúp đỡ nhiều người dân trong thôn, xã về kỹ thuật trồng, chăm sóc và lập vườn ươm nhân giống dược liệu, cách thức bảo quản, thu hái, chế biến sản phẩm, sử dụng dụng cụ phơi sấy. Từ đó, người Dao ở đây không chỉ giữ được nghề thuốc gia truyền với nhiều bài thuốc quý mà còn cùng nhau gìn giữ, phát triển nguồn dược liệu quý, đưa nghề thuốc thành nghề xóa đói, giảm nghèo và ngày càng phát triển.

  • Trao đổi với tôi về việc duy trì, bảo tồn và phát triển giống cây thuốc nam tại địa phương, ông Dương Trung Liên - Chủ tịch UBND xã Ba Vì cho biết: “Xã nằm ở chân núi Ba Vì, đồng bào dân tộc Dao chiếm 98% dân số, có ba thôn là Yên Sơn, Hợp Sơn và Hợp Nhất. Xã đã quy hoạch 5 ha đất rừng chuyên trồng và chế biến thuốc nam để không phải nhập nguyên liệu từ bên ngoài vào phục vụ cho việc chữa bệnh, để giúp bà con ổn định hơn với nghề. Đồng thời, xã đã phát động phong trào toàn dân tham gia trồng cây dược liệu được bà con nhiệt tình hưởng ứng”.   

  • Hơn 50 năm theo nghề thuốc, bà Triệu Thị Thanh đã đóng góp không ít công sức cho việc gìn giữ nghề thuốc nam của dân tộc Dao, củng cố tình đoàn kết dân tộc. Với lòng nhiệt huyết, chân tình của người thầy thuốc đông y, bà nhận được hơn 60 bằng khen, giấy khen từ các cấp trung ương đến địa phương. Bà được bầu là Chủ tịch Hội Đông y xã Ba Vì. Đồng thời là Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã thuốc nam của địa phương. Nhưng niềm vui lớn nhất dành tặng cho bà đó là nhiều người ngày càng tin tưởng tìm đến bà để khám, chữa bệnh./.

Kim Nguyên

in Quay trở lại
Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào các dân tộc
Dự báo thời tiết
Thành phố:

27oC

Độ ẩm: 79%

Tốc độ gió: 12 km/hkm/h

Cập nhật lúc 01:51:20
ngày 2024-04-20