Thăm dò ý kiến
Theo bạn, Trang thông tin điện tử Ban Dân Tộc thành phố Hà Nội có cung cấp đầy đủ thông tin hoạt động của Ban không?



Mã xác nhận

FE_View_Detail

Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030
 

Ngày 11/11/2021, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021- 2030.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là: Phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô toàn diện, bền vững, phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp dần tiến tới không còn khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội; Tập trung quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với vùng đồng bằng và đô thị; phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; thực hiện bình đẳng giới; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; tăng cường đồng thuận xã hội; phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, hòa nhập phát triển cùng Thủ đô và đất nước; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và lòng tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền các cấp từ Thành phố đến cơ sở.

Kế hoạch đưa ra các  mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Thu nhập bình quân đầu người tăng bình quân 20%/năm; đến năm 2025 cơ bản bằng mức thu nhập bình quân khu vực nông thôn ngoại thành của Thành phố; Cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố; Tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa: 65%; Tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa: 86-88%; Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 100% thôn, làng có nhà văn hóa; Duy trì 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; Tỷ lệ trường công lập (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia: 80 - 85%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 75 - 80%; Phấn đấu đạt tỷ lệ 100% hộ dân được sử dụng nước sạch từ các nguồn và tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn theo quy định; 100% xã (vùng DTTS) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số tại chỗ. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương.

Mục tiêu đến năm 2030: Mức sống và thu nhập của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngang bằng với nhân dân các xã vùng ngoại thành Hà Nội; cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố; giữ vững tỷ lệ 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 60% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân; Hoàn thành các chỉ tiêu trong mục tiêu Quốc gia về phát triển bền vững đến năm 2030.  

Thời gian thực hiện của Kế hoạch được chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn I (2021-2025) tổng số vốn đầu tư dự kiến là 2.144,523 tỷ đồng, bao gồm 9 nội dung: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Phát triển sản xuất, nông, lâm nghiệp, du lịch, củng cố phát triển ngành, nghề truyền thống, làng nghề, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Giai đoạn 2 (2026-2030) cơ cấu nguồn vốn cho từng nội dung cụ thể sẽ được xác định sau khi Thành phố tổng kết giai đoạn I.

Kế hoạch được triển khai thực hiện trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội. Về đối tượng thụ hưởng là xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh sinh sống ở các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Doanh nghiệp, Hợp tác xã, các tổ chức kinh tế - xã hội hoạt động trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia thứ 3 này. Năm 2021, Thành phố đã bố trí 743 tỷ đồng để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng 14 xã vùng DTTS&MN. Hiện nay các dự án đang được triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ. Với việc triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch sẽ góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa vùng dân tộc miền núi và vùng đồng bằng trên địa bàn Thủ đô./.


Tin bài: Mai Phương

File gửi kèm:
in Quay trở lại
Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào các dân tộc
Dự báo thời tiết
Thành phố:

26oC

Độ ẩm: 80%

Tốc độ gió: 8 km/hkm/h

Cập nhật lúc 13:27:00
ngày 2024-03-29