Thăm dò ý kiến
Theo bạn, Trang thông tin điện tử Ban Dân Tộc thành phố Hà Nội có cung cấp đầy đủ thông tin hoạt động của Ban không?
Mã xác nhận

FE_View_Detail

Kỷ niệm 70 năm cách mạng tháng 8 và quốc khánh 2 - 9

 TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC CỦA DÂN, DO DÂN, VÌ DÂN

 Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” bất hủ, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra cho lịch sử dân tộc một trang chói lọi tiến lên sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Từ đó đến nay, trải qua 70 năm với những sóng gió và bão táp của cách mạng thế giới và trong nước, trước sự phát triển vòng vo của lịch sử tiến hoá nhân loại, Nhà nước ta - Nhà nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và Đảng ta lãnh đạo đã không ngừng trưởng thành và phát triển lớn mạnh, thu được nhiều thành tựu rực rỡ. Đó là vì trước hết và trên hết, Đảng ta và nhân dân ta luôn luôn quán triệt và thực hiện sáng tạo những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Ngay từ những ngày đầu xây dựng nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định Nhà nước ta là nhà nước “dân chủ, bao nhiêu lợi ích là vì dân, bao nhiêu quyền hạn là của dân, chính quyền từ xã đến Trung ương đều do dân cử ra”. Sự khẳng định đó chỉ rõ tính thống nhất hữu cơ giữa tính nhân dân và tính dân tộc của Nhà nước ta; chỉ rõ nền tảng chính trị - xã hội và sức mạnh của Nhà nước ta là dựa trên khối đại đoàn kết toàn dân và đại đoàn kết tất cả các dân tộc anh em trên toàn quốc, do Đảng ta lãnh đạo.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân là tất cả mọi người, là “đồng bào” của toàn dân tộc Việt Nam, vì vậy Nhà nước ta phải là đại biểu của mọi tầng lớp nhân dân, đại diện cho lợi ích chính đáng của nhân dân các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong “Lời tuyên bố sau khi thành lập Chính phủ mới” Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chính phủ mới phải tỏ rõ cái tinh thần đại đoàn kết, không phân đảng phái... Tôi có thể tuyên bố trước Quốc hội rằng, Chính phủ này tỏ rõ tinh thần Quốc dân liên hiệp, là một Chính phủ tôn trọng thực tế và sẽ nỗ lực làm việc, để tranh thủ quyền độc lập và thống nhất lãnh thổ cùng xây dựng một nước Việt Nam mới, Chính phủ này là Chính phủ toàn quốc, có đủ nhân tài Trung, Nam, Bắc tham gia”. Như vậy, nhà nước trước hết phải thể hiện tinh thần đoàn kết, không hẹp hòi ích kỷ, không bè phái biệt lập; phải là đại diện chân chính của nhân dân lao động, bảo vệ lợi ích và quyền lợi của mọi tầng lớp nhân dân, để phấn đấu cho độc lập dân tộc, đem lại tự do ấm no hạnh phúc cho nhân dân.Vì :“ Trên bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trên thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định: Nhà nước của dân đồng thời là nhà nước do dân, nhà nước vì dân. Đó là một nhà nước do dân lập nên, do  nhân dân bầu ra, nhân dân giám sát và có quyền bãi miễn. Nghĩa là, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân chính là chủ thể xây dựng và bảo vệ nhà nước. Vì vậy, ngay sau ngày thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị phải tổ chức “càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”. Người cho rằng: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc  nước nhà”. Thông qua nhà nước do dân cử ra đó, nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, “ có quyền bãi miễn đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”. Không chỉ  khẳng định vai trò của nhân dân đối với xây dựng nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh  còn xác định rõ mối quan hệ mật thiết giữa nhà nước với nhân dân: Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về mọi công việc; nhân dân phải chủ động tham gia xây dựng Nhà nước, tự giác tích cực thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không dựa dẫm, ỷ lại vào nhà nước.

Để nhà nước thực sự trở thành một nhà nước của dân, do dân và vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi nhà nước đó phải tất cả vì dân, “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh”. Chăm lo lợi ích của nhân dân, đáp ứng đầy đủ nguyện vọng của nhân dân là tạo ra động lực to lớn của sự nghiệp cách mạng. Người chỉ rõ: “ Chúng ta đã hy sinh phấn đấu để giành độc lập ... Chúng ta đã tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ  chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ  giá trị của tự do, của độc lập  khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Theo Người, độc lập tự do cho dân tộc là thiêng liêng, nhưng “ nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chiến lược xây dựng con người Việt Nam mới, đặt con người vào vị trí  trung tâm, coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, tạo điều kiện cho nhân dân nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng phát huy vai trò chủ thể tích cực sáng tạo tham gia vào mọi hoạt động của nhà nước.

Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945- 2015), đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi của Thành phố Hà Nội tự hào trước những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nguyện học tập và quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân, vì dân, tích cực chủ động tham gia một cách tự giác và có hiệu quả vào các công việc của Nhà nước và của Thành phố, đoàn kết gắn bó, chung sức chung lòng xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh giàu đẹp, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế văn hoá tiêu biểu của đất nước.

Hà Nội, tháng 8-2015

Đào Phương

in Quay trở lại
Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào các dân tộc
Dự báo thời tiết
Thành phố:

27oC

Độ ẩm: 78%

Tốc độ gió: 11 km/hkm/h

Cập nhật lúc 07:08:31
ngày 2024-04-20