Thăm dò ý kiến
Theo bạn, Trang thông tin điện tử Ban Dân Tộc thành phố Hà Nội có cung cấp đầy đủ thông tin hoạt động của Ban không?
Mã xác nhận

FE_View_Detail

Chủ tịch Hồ CHí Minh với việc xây dựng đời sống văn hóa mới của đồng bào dân tộc thiểu số.
 

 

  Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đã có nhiều năm công tác, sống và sinh hoạt cùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Người nhận thức rất sớm vai trò của việc xây dựng đời sống văn hóa mới, yếu tố quan trọng làm nên thắng lợi của cách mạng nước ta. Trong đó Người đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng đời sống văn hoá mới cho đồng bào dân tộc thiểu số ngày nay, những lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị đối với việc xây dựng đời sống văn hóa mới của đồng bào dân tộc thiểu số.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc dù bận trăm công nghìn việc chuẩn bị cho cách mạng giải phóng dân tộc nhưng Người vẫn thường xuyên lo nghĩ và dành tâm trí để xây dựng một nền văn hoá mới, đời sống mới. Tháng 3 năm 1947, Người đã viết cuốn sách “Đời sống mới” để hướng dẫn việc xây dựng đời sống mới trong các tầng lớp nhân dân và trong toàn xã hội. Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, Người luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt, chăm lo đến đời sống của đồng bào từ cái ăn, cái mặc, chỗ ở, y tế, giáo dục... với mong muốn đồng bào có cuộc sống ngày một no ấm, hạnh phúc hơn.

Thấu hiểu đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số đặc biệt là các dân tộc thiểu số sống ở vùng núi cao còn nhiều khó khăn thiếu thốn cả vật chất và tinh thần. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết tâm khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa mới và coi đây là một mục tiêu quan trọng của cách mạng. Người chỉ rằng “Ở miền núi đang còn những phong tục không tốt do bọn phong kiến để lại, như: ma chay, cúng bái rất tốn kém. Cưới vợ, gả chồng quá sớm. Vệ sinh phòng bệnh, v.v. còn kém. Đó là những mê tín và hủ tục nên xóa bỏ, để xây dựng mỹ tục thuần phong(1). Từ đó Người cho rằng: "Dưới chế độ thực dân và phong kiến, đồng bào rẻo cao sống rất cực khổ. Ngày nay, đồng bảo rẻo cao được tự do bình đẳng, không bị áp bức bóc lột như trước kia. Nhưng đời sống vật chất và văn hóa chưa được nâng cao mấy. Đó là vì cán bộ lãnh đạo không chú ý đầy đủ đến đồng bào rẻo cao. Bác thay mặt Trung ương và Chính phủ giao cho cán bộ từ tỉnh đến xã phải ra sức giúp đỡ hơn nữa cho đồng bào rẻo cao về mọi mặt"(2).  Người yêu cầu phải làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số được hưởng ngày càng đầy đủ hơn những quyền lợi về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.

 Khái niệm “Đời sống mới” được Hồ Chí Minh nêu ra bao gồm cả “đạo đức mới, lối sống mới và nếp sống mới”. Ba nội dung ấy có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó đạo đức đóng vai trò chủ yếu. Đạo đức gắn liền với lối sống và nếp sống. Chính vì vậy, việc xây dựng đạo đức mới phải được tiến hành đồng thời với việc xây dựng lối sống mới và nếp sống mới. Có dựa trên cái nền đạo đức mới thì mới xây dựng được lối sống mới, nếp sống mới lành mạnh, vui tươi, hướng con người tới tầm cao của văn hoá, của một đất nước độc lập và xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn đồng bào các dân tộc về xây dựng đời sống văn hóa mới là chẳng những phải biết kế thừa mà còn phải phát triển, cải tạo những phong tục tập quán cũ lạc hậu, bổ sung những cái mới tiến bộ mà trước đó chưa có. Tuy nhiên, theo Người “Ðời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì mới cũng làm hết. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ, thí dụ: Ta phải bỏ hết những tính lười biếng, tham lam. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý, thí dụ: Ðơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ ta phải giảm bớt đi. Cái gì mới mà hay thì ta phải làm, thí dụ: Ăn ở hợp vệ sinh, làm việc ngăn nắp”(3)

Nói chuyện với đồng bào Hà Giang, Bác căn dặn: “Trước kia, bọn thực dân phong kiến nắm quyền làm chủ, chúng bắt đồng bào ta làm nô lệ. Ngày nay, chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là tất cả đồng bào các dân tộc đều là người chủ nước nhà. Cán bộ từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, huyện và xã đều phải một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của nhân dân, chứ không phải là “quan cách mạng”. Nhân dân đã làm chủ, thì phải làm gì để xứng đáng là người chủ tốt(4)

 Trong các dịp đi thăm đồng bào các dân tộc ở Việt Bắc, Tây Bắc người luôn luôn nhấn mạnh làm “Trước hết, tất cả các dân tộc, bất kỳ to hay là nhỏ, đều phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em một nhà(5) Người chỉ rõ: Chủ nghĩa xã hội là mọi người dân được áo ấm, cơm no, nhà ở tử tế, được học hành. Muốn vậy, phải phát triển kinh tế và văn hóa, đồng bào dân tộc thiểu số cần có chữ viết của mình, cần đẩy mạnh việc xoá nạn mù chữ, học tập văn hoá, giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc… Người đã chỉ thị cho các cơ quan hữu quan thành lập nhiều trường dành riêng cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Người còn căn dặn việc trồng cây, giữ gìn vệ sinh

làng bản, nhà ở, bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự an ninh… Người yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền: “Phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân… áp dụng chủ trương, chính sách phải sát và phù hợp với tình hình mỗi nơi”.(6)Chính vì vậy, khi xem xét đánh giá các khía cạnh xã hội ở vùng miền núi dân tộc, người đã chỉ ra rằng: Cái gì phải xoá? Đó chính là mê tín, hủ tục; Cái gì cần phát triển? Đó chính là vǎn hoá giáo dục, vệ sinh phòng bệnh. 

Theo Người, phải xây dựng lối sống mới có lý tưởng, có đạo đức theo hướng văn minh, tiên tiến, kết hợp hài hòa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hoá của nhân loại. Cùng với việc bồi dưỡng, nâng cao đạo đức, việc xây dựng (Đời sống mới) còn đòi hỏi phải “sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông, trong đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc”(7) . Đó là năm cách phải sửa đổi đối với mỗi người cũng như đối với một tập thể, một cộng đồng. Cách ăn, mặc, ở không phụ thuộc vào những thứ dùng để ăn, mặc, ở nhiều hay ít, sang trọng hay đơn giản, mà lại phụ thuộc vào lối sống có hay không có văn hoá của mỗi con người.

Để công tác xây dựng đời sống văn hoá mới cho đồng bào dân tộc thiểu số đạt kết quả, Người kêu gọi đồng bào phải nâng cao ý thức đoàn kết và bình đẳng dân tộc, xoá bỏ thành kiến dân tộc, khắc phục tập tục lạc hậu, chăm lo phát triển sản xuất để từng bước đưa đời sống đồng bào các dân tộc thoát khỏi đói nghèo. Bên cạnh đó, Người còn chỉ ra các biện pháp thiết thực nhằm không ngừng nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc, về kinh tế cũng như vǎn hoá.

Suốt mấy mươi năm trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng và Chính phủ xây dựng và chỉ đạo thực hiện các chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó Người rất chú trọng việc xây dựng đời sống văn hoá mới cho đồng bào. Vì vậy, đã phát huy lòng yêu nước, động viên được sức người, sức của cho kháng chiến và kiến quốc, góp phần phát triển kinh tế, văn hoá, từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào cả nước nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng.                                                                                                                 

TRIỆU SINH TUYỂN

in Quay trở lại
Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào các dân tộc
Dự báo thời tiết
Thành phố:

28oC

Độ ẩm: 82%

Tốc độ gió: 13 km/hkm/h

Cập nhật lúc 19:56:00
ngày 2024-04-19