Thăm dò ý kiến
Theo bạn, Trang thông tin điện tử Ban Dân Tộc thành phố Hà Nội có cung cấp đầy đủ thông tin hoạt động của Ban không?



Mã xác nhận

FE_View_Detail

Nét đẹp văn hóa truyền thống trong đám cưới của đồng bào Dao xã Ba Vì
 
Trai gái đồng bào Dao xã Ba Vì sử dụng trang phục truyền thống trong ngày cưới, nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Trai gái đồng bào Dao xã Ba Vì sử dụng trang phục truyền thống trong ngày cưới, nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

 

Xã Ba Vì, huyện Ba Vì có 98% dân số là đồng bào Dao với tổng số 2.197 người. Theo quan niệm của đồng bào Dao, vấn đề hôn nhân là một việc trọng đại không chỉ đối với đôi trai gái mà còn với cả hai bên gia đình, dòng họ. Nam nữ đồng bào Dao khi đến tuổi được quyền tự do tìm hiểu, tìm kiếm bạn đời và báo cáo với bố mẹ để tiến tới hôn nhân thì vẫn phải tới thầy giở sách xem tuổi của đôi trai gái có xung khắc và xem người con gái có xung khắc tuổi với cha mẹ bên nhà trai hay không mới được chấp thuận. Trước kia trai gái chỉ được phép lấy người cùng dân tộc Dao, nhưng ngày nay họ có thể kết duyên tự do với người dân tộc khác. Các thủ tục trong các đám cưới hỏi ngày nay cũng được đơn giản hoá đi rất nhiều, song các nghi lễ trong đám cưới vẫn diễn ra long trọng và theo đúng phong tục tập quán. Nếu phong tục trước đây, một đám cưới được diễn ra theo trình tự năm bước gồm: nghi thức hỏi tuổi, thách cưới - hẹn ngày đặt trầu, lễ đặt trầu, lễ cưới và tổ chức lễ lại mặt, thì ngày nay các thủ tục được rút ngắn lại. Việc tổ chức cưới hỏi cũng gọn nhẹ hơn, chỉ còn các bước: nhà trai sang xin phép bên nhà gái cho hai con tìm hiểu đi lại với nhau, chọn ngày đẹp sang nhà gái làm lễ ăn hỏi để làm lễ đặt trầu, cuối cùng là xin cưới và làm lễ lại mặt.

Trong đám cưới của người Dao xã Ba Vì không thể thiếu thầy cúng, nhân vật được coi là một trong những thành phần quan trọng nhất để một đám cưới diễn ra đúng thủ tục và lễ đón dâu là phần hết sức quan trọng, mang nhiều nét đẹp độc đáo chứa đựng nhiều bản sắc văn hoá riêng của đồng bào nơi đây mà tới giờ vẫn còn lưu lại nguyên vẹn. Trong đó, bao gồm nhiều lễ nhỏ quan trọng như: lễ kết duyên, lễ tơ hồng, lễ vào ma, cùng nhiều nghi thức khác. Nghi lễ đón dâu, trước đây và bây giờ vẫn vậy. Đồng bào Dao quan niệm “đi lẻ về chẵn”, do đó trong đoàn đi đón dâu bên nhà trai chỉ là số lẻ có thể 7 hoặc 9 người. Trong ngày này, cô dâu sẽ mặc trang phục dân tộc do chính mình tự thêu trước khi đi lấy chồng, vì theo truyền thống của người Dao, khi con gái khoảng 13 - 14 tuổi đã phải học thêu để tự trang trí cho trang phục của mình. Ngoài ra cô dâu còn có thêm chiếc khăn đội đầu thêu hoa văn có dua bốn bên và chiếc khăn che mặt được thêu bằng những sợi chỉ màu sặc sỡ và đeo thêm nhiều phụ kiện như vòng cổ, vòng tay, dây chuyền quả đào. Trang phục của chú rể thì đơn giản hơn, đó là chiếc áo truyền thống của dân tộc có thêu hoa văn đơn giản và đội thêm một chiếc mũ vải cũng thêu hoa văn. Nghi lễ kết duyên được coi là một nghi lễ quan trọng nhất trong đám cưới, nó có ý nghĩa quyết định việc cô dâu chính thức kết duyên cùng người chồng của mình, các thủ tục sẽ được thầy cúng thực hiện trong vòng một giờ đồng hồ. Trong nghi lễ, thầy cúng sẽ dùng phép xua đuổi những gì không tốt đẹp, chỉ để lại những điều may mắn, hạnh phúc. Lễ cưới của người Dao không chỉ là ngày vui của đôi trai gái mà là ngày vui của dòng họ hai bên. Do đó, trong đám cưới mọi người cùng thể hiện các bài hát giao duyên, hát về nét đẹp dân tộc để chúc đôi trai gái hạnh phúc. Khoảng 3- 4 ngày sau đám cưới khi chọn được ngày tốt, chú rể cùng đại diện nhà trai sang nhà cô dâu để cùng tổ chức lễ lại mặt. Đây là nghi lễ nhằm giúp cho chú rể chào hỏi bề trên, ra mắt bên nhà vợ. Những người đến dự lễ lại mặt đều là anh em ruột thịt của hai dòng họ, để mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng mới, tạo nên không khí vui tươi, gắn kết hai bên gia đình.

Hiện nay, đồng bào dân tộc Dao xã Ba Vì, huyện Ba Vì đã thực hiện việc cưới xin theo nếp sống văn hoá mới. Đám cưới trước kia thường diễn ra trong ba ngày, nay đã giảm xuống một ngày. Các thủ tục tổ chức giảm đi nhưng không làm giảm đi bản sắc trong đám cưới truyền thống. Việc ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc của đồng bào dân tộc Dao xã Ba Vì đã và đang góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá truyền thống, tạo nên sự đa dạng về văn hoá của huyện miền núi Ba Vì./.


Diệu Thu

in Quay trở lại
Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào các dân tộc
Dự báo thời tiết
Thành phố:

23oC

Độ ẩm: 94%

Tốc độ gió: 8 km/hkm/h

Cập nhật lúc 00:22:03
ngày 2024-03-29