Thăm dò ý kiến
Theo bạn, Trang thông tin điện tử Ban Dân Tộc thành phố Hà Nội có cung cấp đầy đủ thông tin hoạt động của Ban không?
Mã xác nhận

FE_View_Detail

Bác Hồ với huyện Quốc Oai những ngày đầu kháng chiến

 Kỉ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2016)

   

Trong vòng 14 năm (1946-1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần về thăm làng Thầy, núi Thầy, chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội), có lần ở lại và làm việc cả tháng trời. Người lưu lại nơi di tích danh thắng không phải để thưởng hoa, ngắm cảnh mà dành tâm trí lo việc quốc gia đại sự.

                                 

Cảnh  một góc Chùa Thầy , Sài Sơn, Quốc Oai

  • Lần đầu tiên Bác về thăm Quốc Oai
  •              Hôm đó là ngày chủ nhật 10-11-1946, vào khoảng 1 giờ chiều. Xe ô tô đưa Bác về chùa Thầy. Xuống xe, Bác xem qua khu vực chùa Thầy rồi đi thẳng lên núi. Bác dừng lại trên chùa Cao và quan sát toàn cảnh khu vực Sài Sơn cũng như các vùng lân cận. Các đồng chí đi theo Bác và được đón Bác hôm đó, kể lại rằng, lúc lên chùa Cao cũng như từ trên núi xuống, các đồng chí cùng đi muốn dắt tay đỡ Bác nhưng Bác không nghe mà còn bảo: - Các chú đi cho khéo và nhớ giữ lấy sức khỏe của mình! Khăn bông vắt vai, Bác tự mình leo lên và xuống núi rất nhanh nhẹn.
  •           Khi xuống núi, dừng chân nói chuyện với nhân dân và cán bộ tại chùa Cả, thấy tấm biển đề: “TRUSOVIETMINH” kẻ chữ in nhưng chữ nọ sát chữ kia, lại không đánh dấu, Bác bảo: - Viết thế kia, người ta đọc và hiểu làm sao được. Bác còn tưởng là “Xô Viết Mình” nữa là. Rồi Bác dạy: - Bây giờ ta còn đang chống giặc dốt, thanh toán nạn mù chữ, vậy phải viết sao cho dân dễ hiểu, dễ đọc!
  •           Trước khi lên xe, Bác còn căn dặn nhân dân và cán bộ địa phương phải bảo vệ thắng cảnh; sản xuất, công tác tốt; chăm lo học hành. Mọi người cùng Bác hô vang khẩu hiệu: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công” mà Bác đã từng dạy.
  • Bác đến Phủ đường Quốc Oai
  •       Tối 20-1-1947 (29 tết), Bác từ Cần Kiệm (Thạch Thất), nơi Bác ở và làm việc thời gian đó, xuống huyện lỵ Quốc Oai, có mặt ở Phủ đường (cũ) rất sớm. Bộ Nội vụ cũng cho xe đi đón các vị trong Hội đồng Chính phủ, lúc đó còn làm việc thuộc nhiều nơi ở Hà Đông, Sơn Tây, nhưng vì đường xấu, xe hỏng, mưa trơn, nên không đến được đông đủ, đúng giờ. Bác chờ đến khuya vẫn chưa đủ, phải quay về Cần Kiệm. Các vị trong Chính phủ ai đã đến thì nghỉ tại Phủ đường Quốc Oai.
  •       Ngay tối hôm sau, 21-1-1947 (30 tết), hội nghị đã họp khoáng đại (chữ dùng lúc đó, như hội nghị mở rộng hiện nay) tại Phủ đường Quốc Oai, dưới sự chủ tọa của Hồ Chủ tịch. Bác chúc tết các vị trong Hội đồng Chính phủ. Bác đề ra 3 việc cần làm ngay: Tản cư, di cư; động viên dân chúng và tăng gia sản xuất.
  • Ngay sau hội nghị, trong cảnh mưa phùn gió bấc, Bác còn đi xuống Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam đặt trong hang đá ở núi Trầm (Chương Mỹ), chúc mừng năm mới Đinh Hợi (1947) tới đồng bào, chiến sĩ và kiều bào ta ở nước ngoài, bằng những vần thơ đầy sảng khoái và thúc giục: Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió/ Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông/ Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/ Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng/ Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!/ Sức ta đã mạnh, người ta đã đông/ Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!/ Thống nhất độc lập, nhất định thành công!
  • Bác nghỉ lại ở làng Ngọc Than
  •       Tối 2-2-1947, Bác xuống Chúc Sơn (Chương Mỹ) chủ trì một phiên họp của Hội đồng Chính phủ. Trên đường về, giữa đường gặp một chiếc xe tải bị hỏng, đang nằm chắn ngang đường, Bác phải xuống đi bộ mấy cây số. Các đồng chí có trách nhiệm đưa Bác tới nghỉ tại nhà ông Đỗ Hữu Dư ở xóm Chùa, làng Ngọc Than (nay thuộc xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai), nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp và gia đình cũng đang ở và làm việc tại đó. Bác nghỉ lại ở nhà ông Dư cả ngày 3-2-1947.
  • Bác ở và làm việc tại Sài Sơn
  •       Tối 3-2-1947, xe đến đón và đưa Bác lên Sài Sơn, đỗ lại trên đê sông Đáy, chỗ phía trên đầu làng Thụy Khuê. Bác và các đồng chí cùng đi xuống xe, đi bộ theo đường trong làng ra đồng, vào khu chùa Một Mái, phía sau núi Thầy. Vì có sự chuẩn bị từ trước, địa phương đã thu xếp cho gia đình ông Thống (người coi giữ chùa) tạm chuyển về ở trong làng, dành hẳn khu nhà Tổ cho cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh ở và làm việc. Tại đây, Bác nghỉ và làm việc trong gian buồng bên phải của nhà Tổ. Anh em phục vụ ngủ ở ba gian ngoài và nhà ngang. Giường chiếu mượn của nhà chùa. Bác chỉ có một chiếc chăn len, một chiếc màn cá nhân và chiếc ba lô màu cỏ úa. Thường ngày, Bác mặc bộ quần áo nâu gụ, ngoài khoác chiếc áo bludông. Phương tiện làm việc của Bác là chiếc án thư dùng làm bàn, một chiếc máy chữ và một chiếc đèn thắp dầu hỏa.
  •       Bác phải làm việc rất nhiều. Đồng chí Trường Chinh và các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng thường đến gặp Bác, báo cáo những công việc cần kíp về quốc phòng, tài chính, tổ chức mặt trận…
  • Trong thời gian ở Sài Sơn, Bác xuống Phủ đường Quốc Oai, chủ trì nhiều phiên họp của Hội đồng Chính phủ. Bác theo dõi và động viên công cuộc kháng chiến, viết thư cho nhiều nơi để đôn đốc, thúc đẩy công việc cả trong và ngoài nước, như: Thư kêu gọi đồng bào cả nước kháng chiến thắng lợi (6-2-1947); Thư gửi Chính phủ cách mạng nhân dân Căm-pu-chia và nhân dân Pháp (18-2-1947); Thư gửi Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Ninh Bình (19-2-1947); Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ (1-3-1947). Bác cũng ký nhiều sắc lệnh nhằm tăng cường sức mạnh pháp luật của Nhà nước dân chủ nhân dân trong kháng chiến. Bác còn vào Ninh Bình, Thanh Hóa, gặp gỡ các điền chủ, các nhân sĩ, trí thức, động viên họ ủng hộ và tham gia kháng chiến (18-2-1947). Bác ra Chi Nê (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình), nơi đặt xưởng in bạc của Chính phủ, thăm hỏi những người làm việc bảo vệ kho bạc của Bộ Tài chính (19, 20 và 21-2-1947).
  •       Tuy phải làm nhiều việc nhưng Bác vẫn thực hiện đúng và đầy đủ nề nếp và sinh hoạt của cơ quan và bản thân. Đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, Bác đã đồng cam cộng khổ với mọi người. Có bữa, địa phương tiếp tế cho chút thức ăn tươi, Bác đã chia đều cho anh em cùng bồi dưỡng. Bác nhắc nhở mọi người tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân; cảnh giác, giữ bí mật. Bác còn dành thời gian giảng giải cho anh em về những danh từ, thuật ngữ chính trị mà anh em chưa hiểu. Về phần mình, để thích ứng với cuộc kháng chiến lâu dài, Bác tập lại việc đi xe đạp. Chiều chiều, trên sân nhà Tổ, anh em trong đội bảo vệ giữ xe cho Bác tập… Bác ở Sài Sơn tròn một tháng, từ 3-2 đến 2-3-1947.
  • Từ Quốc Oai, Bác lên Việt Bắc
  •       Tối 2-3-1947, Bác rời Sài Sơn, xuống Phủ đường Quốc Oai, chủ trì phiên họp của Hội đồng Chính phủ. Hội nghị bàn nhiều việc; trong đó có việc phải cấp tốc chuyển cơ quan lên Việt Bắc, vì thời gian này thực dân Pháp đã mở rộng tiến đánh ra vùng ngoại vi Hà Nội. Họp xong, đã 4 giờ sáng, Bác ghé thăm Ủy ban kháng chiến hành chính khu II ở chùa Một Mái, núi Hoàng Xá và nghỉ lại đó cả ngày 3-3-1947.  Buổi tối, đồng chí Trần Đăng Ninh đến đón, đưa Bác lên Trung Hà, qua phà Phú Thọ, nghỉ lại ở đồn điền Cổ Tiết, rồi từ đó chuyển dần lên Việt Bắc. Tại  Việt Bắc, Bác cùng Trung ương Đảng tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn (10-10-1954).
  •       Sau ngày hòa bình lập lại, Bác đã về thăm lại Sài Sơn 2 lần vào ngày 19-5-1957 và ngày 19-5-1959. Với huyện Quốc Oai, Bác còn tới thăm và làm việc hai lần. Chiều ngày 20-6-1959, trên đường đi công tác từ Sơn Tây về, Bác dừng lại ở đoạn đê xã Ngọc Tảo (nay thuộc huyện Phúc Thọ), thăm nơi làm việc của hơn 2.000 dân công trên công trường bồi trúc đê sông Hồng. Ngày 17-7-1962, tại điếm canh đê xã Hiệp Thuận (nay thuộc huyện Phúc Thọ), Bác làm việc với lãnh đạo các Bộ Giao thông Vận tải, Thủy Lợi cùng thành phố Hà Nội và hai tỉnh Sơn Tây, Hà Đông về công tác phòng chống lụt bão và tiến độ tu sửa đập Phùng./.

Đỗ Thế Gia

in Quay trở lại
Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào các dân tộc
Dự báo thời tiết
Thành phố:

26oC

Độ ẩm: 87%

Tốc độ gió: 12 km/hkm/h

Cập nhật lúc 19:10:42
ngày 2024-04-24