Thăm dò ý kiến
Theo bạn, Trang thông tin điện tử Ban Dân Tộc thành phố Hà Nội có cung cấp đầy đủ thông tin hoạt động của Ban không?



Mã xác nhận

FE_View_Detail

Xây dựng nông thôn mới ở Ba Vì
 

  Ba Vì là huyện thuộc vùng bán sơn địa, nằm ở phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội, dân số hơn 265 nghìn người, trong đó chủ yếu là 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao sinh sống trên địa bàn 31 xã, thị trấn, trong đó có 7 xã dân tộc miền núi, 1 xã giữa sông Hồng.

Trong xây dựng nông thôn mới, Ba Vì đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kịp thời của Trung ương, của Thành phố; sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành, các quận nội thành của Thành phố; các doanh nghiệp và sự đồng thuận vào cuộc tích cực của người dân. Quá trình triển khai, các xã đã đạt được những kết quả tích cực thể hiện trên các tiêu chí xây dựng NTM như: giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, trường học, trụ sở, nhà văn hóa, trạm y tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân... Nhiều công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng đã tạo sự thay đổi lớn về bộ mặt nông thôn, diện mạo nông thôn mới được hình thành và ngày càng phát triển trên vùng quê Ba Vì.



Thu hái chè ở Ba Vì

Bên cạnh những thuận lợi đó, đối với huyện Ba Vì trong xây dựng NTM còn không ít những khó khăn như công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là các xã miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Thu nhập của người dân còn thấp, việc vận động thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, minh mún ở một số nơi còn chậm. Đầu ra cho các sản phẩm chưa ổn định, việc phối kết hợp tiêu thụ hàng hóa khó khăn. Việc tiếp nhận và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào nông nghiệp hạn chế, quy mô nhỏ lẻ, phân tán. Nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới từ ngân sách nhất là của xã và nhân dân đóng góp còn ít, chưa huy động được nhiều nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp... Các làng nghề chưa được quy hoạch đầu tư phát triển, ý thức của một số chủ doanh nghiệp chưa cao, còn tư tưởng chạy theo lợi nhuận, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư…

Với một số xã đang phấn đấu để về đích, những tiêu chí chưa đạt chủ yếu liên quan đến đầu tư xây dựng các thiết chế, hạ tầng cơ sở, giải quyết việc làm, tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân. Thí dụ như tại xã Ba Vì, nơi hầu hết là đồng bào dân tộc Dao sinh sống, diện tích đất nông nghiệp ít, bà con chủ yếu làm nương, rẫy, tỷ lệ người lao động thiếu việc làm, hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí hạn chế. Nguồn thu của người dân chủ yếu dựa vào việc trồng, chăm sóc, thu hái cây thuốc nam. Đến hết năm 2017, xã mới đạt 11 trong số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.



Người dân ở Ba Vì phát triển nghề chăn nuôi bò sữa

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay ở Ba Vì 100% số xã có điện lưới, cơ bản bảo đảm cung cấp điện phục vụ sản xuất và dân sinh. Huyện đã dồn điền đổi thửa được hơn 5.700 ha, đạt 121% so với kế hoạch Thành phố giao, nhiều xã làm tốt như: Tản Hồng, Sơn Đà, Phú Phương. Hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, với 375 mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như nuôi gà đồi xã Thụy An, Ba Trại, Cẩm Lĩnh; trồng rau ở xã Chu Minh cho thu nhập 300 triệu đồng/ha. Nuôi thỏ tại xã Cẩm Lĩnh doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng; nuôi cá ở Phú Đông thu nhập 850 triệu đồng/năm. Năm 2017, huyện đã xây dựng được gần 90 km đường giao thông, 12 điểm chứa rác thải; xây mới, cải tạo và nâng cấp 12 trường học, 6 nhà văn hóa thôn, 2 trạm y tế xã. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao. Số dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,83%, số hộ khá tăng lên.

Tiêu chí về văn hóa là tiêu chí rất khó trong thực hiện tại các xã dân tộc, miền núi nhưng chính quyền và nhân dân các xã đã tích cực phấn đấu. Điển hình như năm 2017, xã Ba Trại đã đăng ký kiểm tra 5 làng văn hóa các thôn 1, 5, 6, 8 và 9. Tại mỗi thôn, trong 3 năm từ năm 2015 - 2017, người dân luôn hăng hái tham gia với những việc làm cụ thể như trồng hoa hai bên đường, vệ sinh đường làng ngõ xóm, treo băng zôn tuyên truyền trực quan về xây dựng nông thôn mới... Đặc biệt, các thôn không để xảy ra tụ điểm ma túy, cờ bạc, tội phạm mại dâm, không phát sinh người nghiện mới…

Trong năm 2017, xã Ba Trại đã tích cực triển khai xây dựng vùng chuyên canh chè 560 ha, trong đó mô hình trồng chè sạch, an toàn theo tiêu chí chuẩn VietGAP là 16 ha, phát triển thương hiệu sản phẩm gà đồi, thu nhập bình quân đầu người trên 38 triệu đồng/người/năm, là xã đầu tiên trong 7 xã miền núi của huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.

Được sự quan tâm của Thành phố, bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia và nguồn ngân sách của các quận nội thành, những năm qua các xã khó khăn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống của huyện đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà văn hóa thôn và các công trình nước sạch phục vụ đời sống nhân dân.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong xây dựng nông thôn mới nhưng đối với huyện Ba Vì hiện nay các địa phương còn nhiều việc phải làm đó là: Sản xuất chưa tập trung theo hướng hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế còn chậm; có lúc, có nơi đội ngũ cán bộ và người dân chưa thực sự vào cuộc; số lao động nông thôn thiếu việc làm vẫn còn, thu nhập bình quân của người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao... Hiện chính quyền và người dân Ba Vì đang tận dụng mọi tiềm năng, lợi thế của địa phương, ra sức xây dựng, hoàn thiện các mục tiêu của chương trình với quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu đưa thêm một số xã về đích nông thôn mới trong thời gian sớm nhất.

Vì vậy, trong năm 2018 huyện tập trung chỉ đạo và đôn đốc những xã còn khó khăn về đường giao thông nông thôn có kế hoạch cụ thể, đảm bảo vật liệu, huy động sức dân để bê tông hóa đường giao thông nông thôn với chất lượng cao, giá thành thấp nhất. Tiếp tục triển khai thực hiện tiêu chí môi trường nông thôn. Tập trung chủ yếu vào việc vận động nhân dân chỉnh trang nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, thu gom xử lý rác thải... Đối với các tiêu chí về kinh tế sẽ chú trọng hướng dẫn nhân dân chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chọn những mô hình sản xuất có hiệu quả cao để nhân rộng; tạo điều kiện, khuyến khích phát triển ngành nghề truyền thống, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư và liên kết với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, để giải quyết việc làm cho người lao động của địa phương. Phấn đấu mỗi xã hoàn thành ít nhất 2 tiêu chí, đối với xã điểm hoàn thành 3 tiêu chí.

Thời gian tới huyện sẽ phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, an toàn sinh học, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại để nâng cao năng suất, đảm bảo nông sản có chất lượng, hiệu quả, cạnh tranh cao, hài hòa với môi trường sinh thái; gắn kết chặt chẽ việc phát triển nông nghiệp với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo thêm việc làm để nâng cao thu nhập, giảm dần số hộ nghèo. Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Tập trung huy động, khai thác nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ từ huyện đến xã để chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được hiệu quả cao./.


Kim Nguyên

in Quay trở lại
Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào các dân tộc
Dự báo thời tiết
Thành phố:

28oC

Độ ẩm: 74%

Tốc độ gió: 10 km/hkm/h

Cập nhật lúc 15:11:58
ngày 2024-03-29