Thăm dò ý kiến
Theo bạn, Trang thông tin điện tử Ban Dân Tộc thành phố Hà Nội có cung cấp đầy đủ thông tin hoạt động của Ban không?



Mã xác nhận

FE_View_Detail

Cô giáo Lê Thị Thanh Lâm – Trường THPT Mỹ Đức A tấm gương sáng trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
 

  Cách đây 70 năm, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc, kể từ đó ngọn cờ tư tưởng Thi đua ái quốc của Người đã trở thành phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, là động lực thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong sự nghiệp bảo vệ độc lập tự do, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày nay, lời dạy “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” của Bác  vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn đối với phong trào thi đua yêu nước hiện nay.

Thực hiện theo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, phong trào thi đua yêu nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, cho đến nay trên khắp cả nước ta đã có không ít những tấm gương. Tất cả đều muốn chung tay đóng góp công sức, trí tuệ  của mình vào việc xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Nhiều trong số họ có biết bao thầy giáo, cô giáo, những người mang trên vai sứ mệnh trồng người mà toàn xã hội tin tưởng giao phó, những người thầy cô không quản khó nhọc, hết mình vì đàn em thân yêu. Tôi muốn nói đến một người như thế, một tấm gương “Người tốt việc tốt” như thế, đó chính là cô giáo Lê Thị Thanh Lâm - giáo viên dạy giỏi cấp thành phố môn Lịch sử Trường THPT Mỹ Đức A - Mỹ Đức Hà Nội.

          Gặp gỡ cô giáo Lâm có thể cảm nhận được ở cô toát lên sự tĩnh tại của người luôn sẵn sang đối diện với mọi thử thách của cuộc đời, xem những thách thứ đó như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Nhìn lại một chặng đường học tập và công tác với những thành quả mà cô đã gặt hái được chúng ta mới thấu hiểu tinh thần phấn đấu không mệt mỏi của cô giáo.        

          Xuất thân trong một gia đình thuần nông của Huyện Mỹ Đức, cô giáo Lê Thị Thanh Lâm ngay từ khi thủa ấu thơ đã không được may mắn như các bạn cùng trang lứa, sau một trận ốm kéo dài suốt 2 tháng hè đã khiến cho một bên chân của cô không còn được nhanh nhẹn như trước. Hoài bão ấp ủ lớn lên được làm cô giáo của cô bé Lâm tưởng như bị dập tắt, thầy cô và cha mẹ thương cô vô cùng. Dù cô không được chạy nhảy, chơi đùa như các bạn và đi lại vô cùng khó khăn nhưng với một nghị lực kiên cường, bền bỉ, chịu thương, chịu khó, vượt lên chính mình cô đã đến với giảng đường Đại học Sư Phạm I - Hà Nội, khoa Sử với số điểm rất cao 24,5 điểm. Năm 2000 tốt nghiệp ra trường với tấm bằng Khá, cô được phân công về giảng dạy hợp động tại trường THPT Mỹ Đức C. Sau ba năm công tác cô đã thi đỗ công chức và được điều động về giảng dạy tại trường THPT Mỹ Đức A cho đến nay.

       Với kiến thức học được từ Trường Đại học, kinh nghiệm đúc kết từ những bài giảng thực tế và không ngừng học hỏi bạn bè đồng nghiệp, những thế hệ đi trước, trong các đợt thao giảng, hội giảng cô được đánh giá rất cao về kiến thức, khả năng truyền thụ cho học sinh cũng như vận dụng phương pháp, phương tiện dạy học hiện đại. Để biến những bài học Lịch sử khô khan thành những tiết dạy sinh động, hấp dẫn cô không chỉ là người đầu tiên trong nhóm Sử áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy mà cô còn tự tay mình thiết kế “Bản đồ điện tử”, “Sa bàn điện tử” hay tổ chức những buổi ngoại khóa… Điều đó đã khơi dậy tình yêu đối với Lịch sử trong mỗi em học sinh. Giờ dạy của cô thú vị hơn cũng còn nhờ một phần sự cởi mở, thân thiện, gần gũi với học trò. Với cô “Một giáo viên giỏi không chỉ dạy bằng kiến thức mà còn có tình yêu”. Chẳng thế mà sau mỗi giờ dạy học sinh hiểu bài, luôn chăm chỉ học tập. Đây là một trong những nguồn động viên lớn, khích lệ Cô phải phấn đấu hơn nữa để đáp lại niềm tin yêu, kính trọng của học trò.

Trong 12 năm giảng dạy cô có 6 năm được nhà trường giao nhiệm vụ bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi cấp thành phố. Đội tuyển thi học sinh giỏi môn Lịch sử do cô phụ trách năm nào cũng xếp thứ hạng cao, cô đã có 11/12 học sinh đạt giải cấp Thành phố. Năm học 2012 - 2013 cô đạt giải nhất kì thi giáo viên dạy giỏi môn Lịch sử cấp cụm Ứng Hòa - Mỹ Đức, giải ba môn Lịch sử toàn Thành phố. Đặc biệt năm học 2013 - 2014 học sinh Nguyễn Thị Anh lớp 12A13 do cô phụ trách đã lọt vào vòng thi Quốc gia, nhà trường lại một lần nữa đặt niềm tin cũng như trọng trách nặng nề cho cô và trò. Với vốn kiến thức có sẵn, cô chú tâm vào việc soạn giáo án riêng, tìm cách dạy riêng hay nhất để truyền đạt cho học trò của mình. Kết quả là em Nguyễn Thị Anh đã đem về giải Nhất quốc gia - đây cũng là giải nhất đầu tiên môn Lịch Sử mà học sinh thành phố Hà Nội chạm được tay vào. Đó là phần thưởng vô cùng lớn lao, cao quý trong sự nghiệp trồng người của những người gieo hạt và đặc biệt đối với cô!.  Nhiều năm liên tục cô giáo Lê Thị Thanh Lâm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và cô cũng nhận nhiều Bằng khen, giấy khen của Sở Giáo Dục Hà Nội, của UBND huyện Mỹ Đức. Thành tích mà cô đạt được là niềm vinh hạnh đối với bản thân và góp thêm vào bảng vàng truyền thống “Dạy tốt - học tốt” của nhà trường, của Thành phố.

         Là một cô giáo giỏi chuyên môn, nhiệt tình, có uy tín với đồng nghiệp và phụ huynh học sinh, cô giáo Lê Thị Thanh Lâm đã được đông đảo học sinh trong và ngoài huyện Mỹ Đức biết đến. Dưới sự hướng dẫn, dạy dỗ, chỉ bảo ân cần của cô nhiều học sinh đã trưởng thành, trở thành những công dân tốt. Để có được thành quả đáng kính trọng này là vì cô luôn ghi nhớ tới lời dạy của Bác “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.

     Không chỉ giỏi việc trường, tích cực tham gia vào các công việc xã hội cô giáo Lê Thị Thanh Lâm còn đảm việc nhà, là một nàng dâu hiếu thảo, người vợ hiền, người mẹ mẫu mực trong gia đình. Tuy sức khỏe không được tốt, nhưng cô luôn chăm sóc hai cô con gái chăm ngoan học giỏi, cả hai con cô năm nào cũng đạt học sinh giỏi toàn diện. Riêng cháu lớn năm nay học lớp 7A1 lớp chất lượng cao của huyện Mỹ Đức, 2 năm liền cháu đều đạt giải nhì môn Văn cấp Huyện. Gia đình êm ấm hạnh phúc, con cái chăm ngoan, học giỏi là phần thưởng khiến cô luôn tự hào. Nhiều bạn bè đồng nghiệp hỏi cô về bí quyết của những thành công trên cô chỉ cười và nói: “Ước mơ được làm cô giáo, tình yêu đối với học trò và nguồn động viên từ phía gia đình là động lực thúc đẩy cô vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống”.

 Có thể nói những thành công mà cô giáo Lê Thị Thanh Lâm đạt được đã góp một phần tài năng, trí tuệ trong việc bồi dưỡng nhân tài cho quê hương đất nước. Những cố gắng ấy cũng góp một phần không nhỏ vào bảng vàng thành tích chung của Trường THPT Mỹ Đức A nói riêng, của giáo dục Thủ đô nói chung.

          Ngày nay, cô giáo Lâm vẫn đang miệt mài với trang giáo án, truyền tình yêu môn lịch sử đến các thế hệ học sinh; cô xứng đáng là tấm gương “Người tốt, việc tốt” và xứng đáng với danh hiệu Người giáo viên Nhân dân./.


Nguyễn Thị Thanh Hải

in Quay trở lại
Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào các dân tộc
Dự báo thời tiết
Thành phố:

23oC

Độ ẩm: 86%

Tốc độ gió: 12 km/hkm/h

Cập nhật lúc 21:01:09
ngày 2024-03-29