Thăm dò ý kiến
Theo bạn, Trang thông tin điện tử Ban Dân Tộc thành phố Hà Nội có cung cấp đầy đủ thông tin hoạt động của Ban không?



Mã xác nhận

FE_View_Detail

Trưởng thôn Lý Văn Phủ - Gương sáng ở vùng dân tộc, miền núi Thủ đô
 
n Sơn là một trong những thôn nghèo của xã Ba Vì, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, nơi đây đồng bào dân tộc Dao chiếm trên 95%. Những năm qua, Ðảng, Nhà nước và Thành phố đã có nhiều chính sách để hỗ trợ, giúp đỡ người dân thôn Yên Sơn phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, thế nhưng trong thôn vẫn còn một số ít thanh niên ham chơi, lười lao động, nhưng thích ăn ngon mặc đẹp, đua đòi làm cho tình hình an ninh trật tự trong thôn phức tạp, tệ nạn xã hội gia tăng, nhất là lô đề, cờ bạc, trộm cắp. Trong khi đó phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc chưa được phát huy mạnh mẽ.

Để góp phần giữ gìn an ninh trật tự của thôn, từ năm 2013 đến nay, với vai trò, trách nhiệm là Trưởng thôn, người có uy tín, ông Lý Văn Phủ đã tích cực tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân; vận động bà con vươn lên làm giàu chính đáng, chăm lo cho các con, cháu học hành, không để bị kẻ xấu lợi dụng, dễ sa vào con đường phạm tội.

Ông Phủ đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và công an xã Ba Vì xây dựng và duy trì hoạt động của mô hình Dòng họ tự quản an ninh trật tự. Qua đó kịp thời phát hiện, khuyên can nhiều đối tượng không tụ tập đánh bài, uống rượu say. Đã cùng các Chi trưởng tuyên truyền con em trong dòng họ thực hiện Chỉ thị số 08/2006/CT-TTg ngày 08/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách ngăn chặn tình trạng chặt phá đốt rừng, khai thác rừng trái phép; thu hồi vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại pháo nổ, đồ chơi nguy hiểm; Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và các quy định của địa phương.  

Năm 2017, dòng họ Lý của ông đã cung cấp 25 thông tin hữu ích cho lực lượng chức năng, góp phần tích cực phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội.  

Những năm gần đây, số người ở thôn Yên Sơn vi phạm pháp luật nhất là thanh niên đã giảm so với trước đây, người dân nêu cao tinh thần tự giác và chủ động tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Hoạt động của mô hình Dòng họ tự quản về an ninh trật tự đã hỗ trợ tích cực cho lực lượng công an làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương.

Khi người dân có những mâu thuẫn, xích mích như bất hòa giữa vợ chồng, con cái, anh em trong gia đình; tranh chấp giữa hàng xóm với nhau… ông Lý Văn Phủ kịp thời nắm và tìm cách giải quyết, hoà giải một cách hợp tình, hợp lý. Có những vụ việc ông phải kiên trì đi lại nhiều lần, lấy pháp luật để phân tích, đưa ra những lời khuyên thẳng thắn, chân thành để họ hiểu và thực hiện. Do vậy, những tình cảm, đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng được phát huy, tình làng, nghĩa xóm ngày càng thắt chặt, tạo được không khí đầm ấm, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau.



Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng,

Trưởng Ban Dân vận T.Ư trao Bằng khen của Thủ tướng
cho ông Lý Văn Phủ, thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì
Ông Lý Văn Phủ tâm sự: Trước đây, trong thôn có mâu thuẫn về đất đai giữa một số hộ gia đình nằm ở phía ngoài mặt đường và phía trong, ai cũng muốn mở rộng phần đất của gia đình mình khiến cho lối đi chung bị hẹp dần, ảnh hưởng đến việc đi lại của các hộ gia đình nằm ở khu đất phía trong. Khi mẫu thuẫn xảy ra, tôi đã đến từng hộ gia đình có liên quan, phân tích đúng sai, giải thích khuyên nhủ về tình nghĩa làng xóm, “mưa dầm thấm sâu” các gia đình dần hiểu ra và tự nguyện góp đất để mở rộng lối đi chung. Bây giờ, lối đi chung đó rất thuận lợi cho các gia đình và cho thôn khi thực hiện phong trào xây dựng Nông thôn mới. Ngày xưa, ông bà mình vẫn nói “tấc đất, tấc vàng” nhưng đúng là bỏ “vàng” mà được “ngọc”.”

Với phong trào xây dựng Nông thôn mới, ông Phủ đã cùng các đồng chí trong Chi bộ và Ban Mặt trận thôn lắng nghe, tiếp thu các ý kiến phản ánh của người dân, trực tiếp giải thích cho nhân dân. Đồng thời, tập hợp những ý kiến để báo cáo cũng như tham mưu kịp thời cho chính quyền cấp trên xem xét, giải quyết. Ông đã trở thành “cầu nối” gắn chặt mối quan hệ mật thiết giữa chính quyền với dân.

Khi Yên Sơn được đầu tư kinh phí để bê-tông hóa đường trong thôn, với cương vị trưởng thôn, sau khi bàn bạc với cấp ủy, chi bộ, ông tổ chức họp các gia đình để phổ biến. Ngày đầu, nhiều hộ chưa đồng ý, bởi tiếc đất mặt đường. Ông kiên trì đến từng gia đình vận động, làm cho người dân thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Thành phố đối với nông thôn và đời sống của người dân, từ đó nhiều gia đình tham gia. Gia đình ông đã hiến 200m2 đất để mở rộng mặt đường. Trước đây, các đường trong thôn Yên Sơn nhỏ hẹp, chỉ 2 - 3m nay rộng 6m phẳng đẹp, tạo niềm hứng khởi cho người dân trong xây dựng Nông thôn mới. 

Gắn bó từ nhỏ với quê hương vùng miền núi và những người dân tộc thiểu số chất phát, thật thà nhưng cuộc sống của nhiều gia đình còn khó khăn. Sống dưới chân núi Ba Vì, người Dao trong thôn hầu hết biết làm thuốc Nam nhưng thế mạnh ấy chưa được phát huy. Ông nghĩ phải có người đi trước, làm trước để người sau noi theo. Gia đình ông đã tập trung phát triển nghề thuốc Nam. Những kinh nghiệm trồng, thu hái, khai thác dược liệu được phát huy, những tiến bộ kỹ thuật được áp dụng trong quy trình chế biến, bảo quản nên mỗi năm cho thu nhập gần 350 triệu đồng. Gia đình ông Phủ trở thành điểm sáng làm kinh tế giỏi, nhiều hộ trong thôn đã học tập, làm theo.

Cùng với phát triển kinh tế, gia đình ông Phủ luôn gương mẫu, đi đầu trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Ông đã tuyên truyền, vận động người dân trong thôn giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Dao như học chữ Nho, thêu Gen truyền thống. Vào các dịp lễ hội hầu hết mọi người trong thôn đều mặc trang phục của dân tộc mình. Với việc thực hiện nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và các lễ hội, trước đây dân tộc Dao thường tổ chức đám chay, tết nhảy 3 ngày 3 đêm. Ông đã vận động bà con giảm thời gian xuống còn 1 ngày, làm cỗ đơn giản, gọn nhẹ. Từ đó, mỗi đám tiết kiệm được vài triệu đồng trở lên, góp phần xoá đói, giảm nghèo cho các hộ dân mà vẫn giữ được những nét đặc trưng của dân tộc.

Với những đóng góp cho cộng đồng, ông Lý Văn Phủ đã vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành, tiêu biểu như: Năm 2013, được Giám đốc Công an thành phố Hà Nội tặng Giấy khen trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2008 - 2013; Huyện uỷ Ba Vì tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô, giai đoạn 2011 - 2015. Năm 2014, được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; Ban Dân tộc thành phố Hà Nội tặng Giấy khen người uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2014, 2016; Chủ tịch UBND huyện Ba Vì tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Giấy khen đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2015, năm 2016; Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao thành phố Hà Nội tặng Giấy khen đã có thành tích trong xây dựng gia đình văn hoá, giai đoạn 2014 - 2016 và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen người có uy tín tiêu biểu năm 2017.

  Song phần thưởng lớn nhất đối với ông là niềm tin yêu của người dân thôn Yên Sơn dành cho ông cùng sự đổi mới, đi lên của quê hương. Ông Lý Văn Phủ - một trưởng thôn năng động, sáng tạo, gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương cùng những đóng góp, cống hiến cho cộng đồng là tấm gương sáng, tiêu biểu ở vùng dân tộc, miền núi của Thủ đô./.


Kim Nhung

in Quay trở lại
Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào các dân tộc
Dự báo thời tiết
Thành phố:

23oC

Độ ẩm: 97%

Tốc độ gió: 8 km/hkm/h

Cập nhật lúc 04:30:57
ngày 2024-03-29