Thăm dò ý kiến
Theo bạn, Trang thông tin điện tử Ban Dân Tộc thành phố Hà Nội có cung cấp đầy đủ thông tin hoạt động của Ban không?



Mã xác nhận

FE_View_Detail

Người phụ nữ dân tộc Mường vượt khó làm giàu trên mảnh đất quê hương
 

 



Chị Quách Thị Như, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Miễu 2,

xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội

Trong một lần đi thực tế tại cơ sở tôi đã có dịp về Thôn Miễu 2 xã Tiến Xuân huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội, một xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô. Tôi đã được nghe bà con khen ngợi về việc làm, tính cách... của một tấm gương sáng trong thôn, bản đặc biệt là người phụ nữ biết  giữ lửa cho quê hương, chính vì vậy tôi đã tìm gặp người phụ nữ ấy, đó là chị Quách Thị Như, một người dân tộc Mường được sinh ra trong một gia đình có 4 anh chị em; chị lại là chị cả trong gia đình thuần nông, điều kiện kinh tế khó khăn, "Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc"; tất cả mọi chi phí trong gia đình đều nhờ vào mấy sào ruộng cấy, nhưng năng suất quá thấp...Chị đã phải từ bỏ ước mơ học tập để thoát ly quê hương  mà ở nhà phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Một cô gái đã phải từ bỏ mơ ước riêng của mình để cùng bố mẹ, gia đình làng xóm thực hiện ước mơ của cộng đồng thôn bản đó là xóa đi cái đói và giảm được cái nghèo của gia đình và của quê hương. Những khó khăn, chông gai trôi qua theo năm tháng và thay thế vào đó là ước mơ hoài bão dần thành sự thật. Hiện nay chị là chủ nhân một hộ sản xuất kinh giỏi của xã.

Điều ấn tượng khi tôi gặp chị là vóc dáng nhanh nhẹn, giọng nói dịu dàng; ngoài là chủ nhân hộ sản xuất kinh giỏi của xã, chị còn tham gia nhiều hoạt động xã hội của thôn, xã; từ năm 2011 đến nay chị được bầu làm Chi hội trưởng Hội phụ nữ Thôn Miễu 2 và chị đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng; do có nhiều thành tích trong công tác và được sự tín nhiệm của nhân dân trong thôn, chị được bình chọn là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô (từ năm 2013-2018). Với vai trò là Chi hội trưởng Hội phụ nữ chị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình với công việc được giao, làm tốt công tác tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; tham mưu tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3; ngày phụ nữ Việt Nam 20/10; vận động chị em đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể như thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện... Nhờ có nhiều đổi mới, sáng tạo và các hoạt động phù hợp nên các phong trào thi đua được chị em tích cực hưởng ứng tham gia; là người luôn đi đầu trong việc xây dựng nếp sống văn hóa mới đặc biệt là đối với chị em phụ nữ xóa bỏ các phong tục tập quán còn lạc hậu trong đồng bào đưa lại những tiến bộ văn minh về cho thôn, bản. Vận động chị em ở các độ tuổi tham gia sinh hoạt hội, ngoài việc thực hiện và xây dựng hội vững mạnh ra còn phải biết quan tâm giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn,và nữ làm chủ hộ, tạo cho chị em có tiếng nói chung trong gia đình, xã hội, cởi mở, tương thân, tương ái, ngoài những lúc bận rộn ra, chị em còn phải biết tự làm đẹp cho bản thân. Chị và gia đình luôn luôn là người đi đầu trong việc thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... chị luôn luôn hướng chị em trong chi hội phát huy và giữ gìn phẩm chất của phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

Chị Như đã là người đứng đầu trong việc tổ chức và thành lập một đội cồng chiêng của thôn Miễu 2 gồm 12 thành viên tham gia, vào các dịp lễ, tết hoặc tham gia hội thi do huyện tổ chức; chị đã cùng hội phụ nữ thôn phối hợp với các ban, ngành trong thôn tổ chức các trò chơi dân tộc, như: Ném còn, bắn nỏ, kéo co, bắt trạch trong chum... xây dựng phong trào Hội, phong trào văn hóa, văn nghệ thể thao của thôn với tâm nguyện để các trò chơi truyền thống của đồng bào không bị mai một theo thời gian bởi các trò chơi hiện đại trong xã hội ngày nay. Hàng năm chị đã vận động chị em trong hội tiết kiệm tiền chi tiêu hàng ngày trong gia đình để gây quỹ tiết kiệm bằng hình thức nuôi lợn nhựa, từ quỹ này đã giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay bằng tiền mặt không tính lãi xuất; chị còn tạo việc làm thêm giúp chị em tăng thu nhập kinh tế gia đình, như từ việc may gia công quần, áo, thảm… đã giúp cho nhiều chị em có thu nhập thường xuyên từ 3-4 triệu đồng/tháng. Chị Quách Thị Như còn là cộng tác viên dân số, làm tốt công tác kế hoạch hóa gia đình, vận động chị em trong độ tuổi sinh sản sử dụng các biện pháp tránh thai phù hợp, vận động các cặp vợ chồng không sinh con thứ 3, không phân biệt con trai, con gái. Tuyên truyền vận động các bà mẹ mang thai khám định kỳ, sàng lọc trước sinh, đưa con đi tiêm phòng đầy đủ đúng quy định của ngành y tế.

Ngoài việc hoạt động xã hội, chị Như không quên chức năng của người phụ nữ, đó là làm con, làm vợ và làm mẹ trong gia đình; chính vì vậy chị luôn làm tốt vai trò của một người phụ nữ trong gia đình. Vợ chồng chị sống hòa thuận, hạnh phúc, các con đều chăm ngoan học giỏi, mọi thành viên trong gia đình đều chia sẻ công việc, tôn trọng giúp đỡ lẫn nhau. Đặc biệt là được sự ủng hộ của chồng chị là anh Nguyễn Thành Phương và gia đình trong việc phát triển kinh tế gia đình và xây dựng quê hương thoát nghèo đã thôi thúc chị cùng gia đình phấn đấu vươn lên trong tâm thế xuất phát điểm còn quá thấp của vùng quê; chị Như cùng với chồng và gia đình đã quyết tâm vượt qua những khó khăn, lam lũ trên mảnh đất khó cằn cỗi đầy nắng, đầy gió mà đứng dậy phát triển kinh tế gia đình trên chính mảnh đất chôn rau, cắt rốn này. Xuất phát từ thực tiễn, thôn Miễu 2 của chị ngày một phát triển, nhưng số người thiếu việc làm còn nhiều; nhất là việc thông thương, giao lưu hàng hóa cho nhân dân còn nhiều hạn chế, nên chị đã bàn với chồng vay vốn ngân hàng và anh em, bạn bè để mở một công ty vận tải nhỏ, để chuyên vận chuyển các con giống cho một công ty chăn nuôi gia súc tạo việc làm cho một số lao động ở quê hương; ban đầu Công ty chỉ tạo việc làm cho được từ 7-10 lao động; đến nay công ty đã tạo việc làm ổn định cho 20 lao động và có mức  thu nhập thường xuyên 5.000.000 đồng/người/tháng.

        Gia đình đã có cuộc sống ổn định, nên chị đã cùng gia đình thường xuyên tham gia giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những người nghèo không có vốn làm ăn phát triển kinh tế…giúp đỡ họ có việc làm hoặc cho họ vay vốn không lấy lãi để họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, chị còn tham gia ủng hộ các quỹ từ thiện: ủng hộ đồng bào lũ lụt, trẻ em ở lớp học tình thương, tặng 6 ghế đá cho thôn, ủng hộ tiền xây nhà tình nghĩa cho cựu thanh niên xung phong huyện Thạch Thất...Với sự cố gắng phấn đấu nỗ lực của bản thân, chị đã được nhận giấy khen của xã, huyện, Thành phố: Năm 2014 giấy khen đã có nhiều thành tích trong công tác dân tộc của UBND huyện Thạch Thất, năm 2016 chị được Chủ tịch UBND TP Hà Nội khen thưởng là người có uy tín tiêu biểu; năm 2015, 2016 giấy khen của Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân về hộ sản xuất kinh doanh giỏi, năm 2017 gia đình chị được chủ tịch UBND Thành phố tặng Bằng khen hộ sản xuất kinh doanh giỏi.

        Mặt trời đã xuống núi cũng là lúc chia tay chị Như, ra về mà hình ảnh chị luôn đọng mãi trong tâm trí tôi một hình ảnh người phụ nữ dân tộc Mường, người giữ lửa cho quê hương ở vùng dân tộc, miền núi còn nhiều khó khăn vất vả của Thủ đô Hà Nội đã một thời tuổi trẻ gác lại tư tưởng xa quê để chung tay, chung sức cùng địa phương  giữ gìn bản sắc dân tộc, xây dựng quê hương văn minh giàu đẹp./.


Lưu Thanh Hà

in Quay trở lại
Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào các dân tộc
Dự báo thời tiết
Thành phố:

25oC

Độ ẩm: 93%

Tốc độ gió: 10 km/hkm/h

Cập nhật lúc 06:11:15
ngày 2024-04-17