Thăm dò ý kiến
Theo bạn, Trang thông tin điện tử Ban Dân Tộc thành phố Hà Nội có cung cấp đầy đủ thông tin hoạt động của Ban không?



Mã xác nhận

FE_View_Detail

Thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc góp phần phát triển toàn diện, bền vững vùng dân tộc, miền núi của Thủ đô

 LTS: Nhân kỷ niệm 10 năm thành phố Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, phóng viên Tạp chí Dân tộc đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Tất Vinh, Trưởng Ban Dân tộc về những đổi mới, đi lên ở vùng dân tộc, miền núi Thủ đô. Trang tin điện tử Ban Dân tộc Hà Nội trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Đ/c Nguyễn Tất Vinh Bí thư chi bộ- trưởng Ban Dân tộc TP trả lời phỏng vấn

Đ/c Nguyễn Tất Vinh Bí thư chi bộ- trưởng Ban Dân tộc TP trả lời phỏng vấn

 PV: Sau 10 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô đã có những thay đổi như thế nào, thưa đồng chí?

- Đ/c Nguyễn Tất Vinh: Thủ đô Hà Nội, sau mở rộng địa giới hành chính, vùng dân tộc, miền núi chiếm khoảng 10% diện tích tự nhiên của Thành phố. Ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã của Thành phố đều có đồng bào thuộc 50 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống, với số dân trên 92.000 người. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tập trung theo cộng đồng tại 153 thôn thuộc 14 xã của các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức, chủ yếu là người Mường và người Dao.

Những ngày đầu mới sáp nhập, vùng dân tộc miền núi Thủ đô cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế-xã hội còn nhiều bất cập, đời sống của đồng bào dân tộc còn khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Hẳn ai cũng nhớ 4 xã của huyện dân tộc, miền núi Lương Sơn (Hòa Bình) khi đó còn rất khó khăn, nhất là về hệ thống cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm; nhiều nơi chưa có điện lưới quốc gia.

Từ thực tế ấy, Ban Dân tộc đã yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc từ Thành phố đến cơ sở đi sâu tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn ở vùng dân tộc, miền núi cũng như tâm tư nguyện vọng của đồng bào từ đó tham mưu để lãnh đạo Thành phố có những quyết định hỗ trợ kịp thời. Theo đó, Ban Dân tộc đã cùng với các Ban của Thành ủy và các Sở, ngành của Thành phố chuẩn bị để Thường vụ Thành ủy ra Nghị quyết số 06 ngày 31/10/2011 về “Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS của Thủ đô Hà Nội” và UBND Thành phố ban hành các Kế hoạch số 166, 138 về “Phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS của Thủ đô Hà Nội”, giai đoạn 2013-2015 và giai đoạn 2016-2020.

Đến nay vùng dân tộc miền núi đã có những đổi mới đi lên hết sức phấn khởi, hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng. 100% xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã, trên 60% đường trục thôn được bê tông hóa. Hệ thống thủy lợi từng bước đáp ứng yêu cầu cơ bản của sản xuất và dân sinh. 100% số hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt. Hệ thống trường học, trạm y tế xã, nhà văn hóa thôn đã cơ bản đáp ứng yêu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe và sinh hoạt của người dân. Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng dân tộc thiểu số bình quân hàng năm đạt trên 10%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 28-30 triệu đồng/năm, có xã trên 40 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm trên 3%/năm. Hiện thành phố Hà Nội không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn. Trong số 14 xã dân tộc, miền núi đã có 7 xã đạt chuẩn Nông thôn mới.

Thành quả to lớn ấy là kết quả của quyết tâm chính trị mạnh mẽ của lãnh đạo Thành phố, của sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, là sự vươn lên của đồng bào và những đóng góp bền bỉ của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc của Thành phố đã vượt lên mọi gian khổ, khó khăn đồng hành cùng đồng bào các dân tộc thiểu số trong quá trình phát triển, đi lên góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô.

- PV: Vậy khó khăn lớn nhất ở vùng dân tộc, miền núi Thủ đô hiện nay là gì, thưa đồng chí?

- Đồng chí Nguyễn Tất Vinh: Khó khăn lớn nhất ở vùng dân tộc miền núi là do địa hình chủ yếu là đồi núi, cách xa trung tâm; cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ và nhanh xuống cấp, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi; dân cư sinh sống phân tán, trình độ dân trí còn hạn chế; trình độ tổ chức sản xuất và kỹ năng lao động cũng còn bất cập, sản xuất chưa gắn với thị trường, năng suất lao động thấp, bản sắc văn hóa có mặt bị mai một, đời sống một bộ phận đồng bào còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao; thu nhập bình quân đầu người thấp. Đó chính là những nguyên nhân chủ yếu làm cho trình độ phát triển của vùng dân tộc thiểu số còn khoảng cách so với vùng đồng bằng và đô thị. Khoảng cách chênh lệch này có xu hướng ngày càng rõ, để thu hẹp là cực kỳ khó khăn.   

Thứ hai, nguồn kinh phí đầu tư ở vùng dân tộc, miền núi lớn, trong khi khả năng huy động tại chỗ không đáng kể. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng dân tộc, miền núi khó khăn. Rất ít doanh nghiệp đầu tư, chủ yếu là đầu tư nhỏ lẻ.

Thứ ba, nhận thức về công tác dân tộc và sự nghiệp đoàn kết dân tộc chưa thật đầy đủ; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc từ Thành phố đến cơ sở cũng còn những hạn chế, nhất là năng lực tham mưu. Từ đầu năm 2017, một số Phòng Dân tộc và công tác dân tộc cấp huyện được chuyển giao về Văn phòng HĐND-UBND huyện, chỉ còn duy nhất Phòng Dân tộc huyện Ba Vì nên có những khó khăn trong chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện.

- PV: Xin đồng chí cho biết công tác dân tộc của Thành phố từ nay đến năm 2020 cần tập trung vào những trọng tâm nào?

- Đồng chí Nguyễn Tất Vinh: Phát huy những thành tích kết quả đã đạt được, thời gian tới công tác dân tộc trên địa bàn Thành phố tập trung vào một số trọng tâm:

1. Phải làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo Thành phố, trên cơ sở cụ thể hóa các chính sách dân tộc của Trung ương vào thực tế của vùng dân tộc, miền núi của Thành phố; thấy rõ tiềm năng thế mạnh của Thủ đô, của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - là lá phổi xanh, khu du lịch sinh thái, tâm linh tiêu biểu để phát huy, qua đó đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của đồng bào. Chăm lo giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và bản sắc dân tộc tiêu biểu trong quá trình phát triển.

2. Phải nâng cao trình độ, năng lực công tác của đội ngũ công chức làm công tác dân tộc; từng công chức phải sâu sát cơ sở. Công tác dân tộc của Thành phố phải vào cuộc với những công việc rất cụ thể, bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố. Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền vận động đồng bào chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong điều hành phải thường xuyên rút kinh nghiệm; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát chặt chẽ ở các cấp, nhất là ở cơ sở để chính sách đến với người dân và phát huy hiệu quả.

Với sự quan tâm sâu sắc của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố và sự vào cuộc của các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị, công tác dân tộc của Thủ đô sẽ đạt được những thành tựu to lớn hơn, góp phần củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng bền chặt.  

- PV: Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, đồng chí có lời gửi tới đồng bào dân tộc thiểu số và những người làm công tác dân tộc của Thủ đô?

- Đồng chí Nguyễn Tất Vinh: Thay mặt lãnh đạo Ban Dân tộc thành phố Hà Nội, tôi chân thành cảm ơn đồng bào các dân tộc thiểu số và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc Thủ đô đã vượt lên mọi khó khăn chung sức, đồng lòng làm nên những kết quả quan trọng đóng góp vào thành tựu chung của Thủ đô. Tôi tin tưởng rằng đồng bào các dân tộc trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Tôi mong những người làm công tác dân tộc từ Thành phố đến cơ sở luôn nỗ lực phấn đấu nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sâu sát cơ sở. Chủ động, tích cực tham mưu đề xuất cho lãnh đạo Thành phố ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc của Trung ương và của Thành phố, để vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thành phố phát triển nhanh, toàn diện, bền vững góp phần xây dựng Thủ đô giầu mạnh, văn minh, hiện đại.

- PV: Cảm ơn đồng chí Trưởng ban đã dành thời gian trả lời phỏng vấn./.


Thu Giang (thực hiện)

in Quay trở lại
Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào các dân tộc
Dự báo thời tiết
Thành phố:

23oC

Độ ẩm: 94%

Tốc độ gió: 8 km/hkm/h

Cập nhật lúc 22:21:12
ngày 2024-03-28