Thăm dò ý kiến
Theo bạn, Trang thông tin điện tử Ban Dân Tộc thành phố Hà Nội có cung cấp đầy đủ thông tin hoạt động của Ban không?
Mã xác nhận

FE_View_Detail

Nâng cao hiểu biết pháp luật cho đồng bào vùng dân tộc, miền núi Thủ đô - Hiệu quả từ những cách làm hay
 

  Trong những năm gần đây, Ban Dân tộc thành phố Hà Nội rất quan tâm chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào vùng dân tộc, miền núi Thủ đô. Với phương châm “đối tượng nào có cách làm đó”, đã có nhiều cách làm hay để đưa pháp luật vào cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo con đường bê tông phẳng rộng, sạch sẽ, đoàn chúng tôi tới Nhà văn hóa thôn Gò Đình Muôn, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì đem theo cái luật để giúp cho bà con “xóa đói, giảm nghèo” về pháp luật. Nằm cách trung tâm Hà Nội gần 100km, xã Khánh Thượng có 13 thôn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Mường chiếm trên 50%. Từ khi về với Thủ đô, được sự quan tâm, đầu tư của thành phố Hà Nội, hạ tầng kinh tế-xã hội của xã Khánh Thượng đã được nâng cấp ngày một đồng bộ. Dù vậy, đến nay thu nhập bình quân đầu người mới đạt gần 20 triệu đồng/năm, thuộc nhóm các địa phương có thu nhập thấp nhất toàn Thành phố. Đây cũng là 1 trong 3 tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà xã Khánh Thượng chưa đạt. Xã hiện còn 202 hộ nghèo, chiếm khoảng 10,6%, trong đó có 61 hộ thuộc diện “nghèo bền vững”.  

Ông Nguyễn Phúc Hải, Phó Trưởng Ban Dân tộc thành phố Hà Nội phát biểu khai mạc trong một Hội nghị Tập huấn công tác dân tộc và phổ biến chính sách pháp luật năm 2018

Ông Trần Văn Tính, Trưởng thôn Gò Đình Muôn cởi mở: “Bây giờ có đường bê tông như thế này là hạnh phúc cho bà con ở đây lắm rồi. Trước đây, đường đất đầy ổ gà, ngày mưa thì trơn trượt khiến cho việc đi lại, sản xuất của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Từ ngày có con đường bê tông, ai cũng phấn khởi vì thoát được cảnh lấm lem, nhất là trong vụ thu hoạch, vì vậy họ gọi là “con đường mơ ước”. Những năm qua, đời sống của người dân đã có nhiều thay đổi, số hộ nghèo đã giảm, nhưng trình độ dân trí cũng như kiến thức pháp luật của người dân nơi đây vẫn còn hạn chế nên chúng tôi mong trong năm tới có nhiều Hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để bà con có điều kiện tiếp cận với pháp luật nhiều hơn”.


Tại Hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật do Ban Dân tộc thành phố Hà Nội tổ chức tại nhà văn hóa thôn Gò Đình Muôn, xã Khánh Thượng đã thu hút hơn 200 đại biểu tham dự. Các đại biểu ngồi yên lặng lắng nghe đồng chí báo cáo viên truyền tải một số nội dung cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Giao thông đường bộ với cách thức ngắn gọn, dễ hiểu, cùng những ví dụ sinh động liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân, giúp họ hiểu biết hơn về những quy định của pháp luật… Các đại biểu đến dự hội nghị không chỉ để được nghe phổ biến pháp luật mà còn để nhờ báo cáo viên giải đáp những vấn đề còn băn khoăn. Sau khi hội nghị kết thúc, một số bà con đã đưa ra những câu hỏi và được báo cáo viên tận tình giải thích cụ thể cho từng trường hợp.


Ông Trần Văn Tính, Trưởng thôn Gò Đình Muôn chia sẻ thêm: “Các hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật rất có ý nghĩa đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Được tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật nên nhiều năm qua trong thôn Gò Đình Muôn không còn tình trạng thanh niên uống rượu say xỉn gây mất an ninh trật tự, mất an toàn giao thông...”.

Còn anh Đinh Văn Hoan, thôn Khánh Chúc Bãi thì bộc bạch, sáng nay anh có việc phải làm nốt không ra sớm được nhưng thấy sốt ruột, anh đã gắng làm thật nhanh để còn kịp đến dự Hội nghị. Anh Hoan cho biết: “Được đi nghe các Hội nghị tuyên truyền pháp luật, tôi đã có thêm kiến thức về những lĩnh vực liên quan tới cuộc sống hàng ngày. Việc cán bộ trực tiếp đến với người dân để tuyên truyền pháp luật, giải thích những thắc mắc cho người dân là rất cần thiết”.


Ông Nguyễn Phúc Hải, Phó Trưởng Ban Dân tộc thành phố Hà Nội cho biết: Cùng với việc tham mưu giúp UBND Thành phố thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc, một trong nhiều nhiệm vụ được Ban Dân tộc coi trọng là công tác tuyên truyền chính sách, phổ biến giáo dục pháp luật đến đồng bào. Bởi nhân tố quyết định đến sự phát triển, đi lên ở vùng đồng bào dân tộc là người dân nên người dân phải nắm được chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Qua đó, góp phần bảo đảm sự ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn”.


Các đại biểu dự Hội nghị Tuyên truyền, phổ biến  giáo dục pháp luật

Có đi thực tế ở cơ sở mới biết công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc là vô cùng cần thiết bởi nhận thức và hiểu biết pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Nhưng làm cách nào để những văn bản pháp luật vốn khô cứng, khó nhớ đi vào cuộc sống của đồng bào là điều mà Ban Dân tộc Thành phố luôn trăn trở. Vì vậy, trước khi tổ chức Hội nghị, Ban Dân tộc đã khảo sát nhu cầu tại địa phương, tập trung vào các vấn đề mà địa phương quan tâm trên cơ sở đó xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai. Bên cạnh đó, Ban Dân tộc luôn coi trọng việc đổi mới phương pháp tuyên truyền, với đối tượng nào có cách làm đó để đồng bào dễ hiểu, dễ nhớ và tiếp nhận.


Chỉ tính riêng năm 2018, Ban Dân tộc đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 30 lớp giới thiệu chính sách dân tộc và phổ biến, giáo dục pháp luật cho khoảng gần 8.000 lượt đại biểu là cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ chủ chốt của các xã, thôn, người có uy tín, hoà giải viên và nhân dân... tại 14 xã vùng dân tộc, miền núi. Các Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với pháp luật, về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, hiểu rõ thêm về quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với Đảng, Nhà nước, nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật. Từ đó dần hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật, góp phần tích cực vào sự phát triển của địa phương.


Để phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong thời gian tới, Ban Dân tộc sẽ tập trung vào những nội dung:

Một là, tìm chọn đội ngũ báo cáo viên có chất lượng, có trình độ chuyên môn vững vàng, có kỹ năng truyền đạt, am hiểu pháp luật và kiến thức xã hội để đáp ứng.

Hai là, xác định nội dung, lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp vì đồng bào dân tộc có những đặc thù riêng về tâm lý, phong tục tập quán, trình độ văn hóa.

Tài liệu tuyên truyền, chuyên đề bài giảng ngắn gọn, dễ hiểu, gắn với thực tiễn đời sống và phù hợp với đặc điểm, tâm lý và nhu cầu của đồng bào DTTS.

Biên soạn tài liệu tuyên truyền dưới hình thức như: Hỏi - Đáp hoặc tờ gấp, tờ rơi nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số dễ đọc và dễ hiểu.

Ba là, đa dạng hình thức tuyên truyền các chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm giúp cho đồng bào dân tộc thường xuyên được tiếp cận thông tin như: Thông qua các cuộc giao lưu, hội diễn văn hóa, văn nghệ, câu lạc bộ dân ca, dân vũ; xây dựng phóng sự phát thanh và truyền hình; tổ chức các cuộc thi, hội thi.

Bốn là, phát huy vai trò tuyên truyền của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ban sẽ tăng cường bồi dưỡng nâng cao kiến thức, trách nhiệm, kỹ năng, nghiệp vụ, giúp người có uy tín nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền cho người dân tộc thiểu số.

Năm là, kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên, khích lệ và nhân rộng gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có nội dung thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số./.


Tin, ảnh: Kim Nguyên

in Quay trở lại
Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào các dân tộc
Dự báo thời tiết
Thành phố:

36oC

Độ ẩm: 65%

Tốc độ gió: 14 km/hkm/h

Cập nhật lúc 17:07:17
ngày 2024-04-19