Thăm dò ý kiến
Theo bạn, Trang thông tin điện tử Ban Dân Tộc thành phố Hà Nội có cung cấp đầy đủ thông tin hoạt động của Ban không?



Mã xác nhận

FE_View_Detail

Phấn đấu vươn lên xứng đáng với niềm tin của Đảng và của đồng bào dân tộc
 

Cách đây vừa tròn 73 năm, sau 8 tháng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 3/5/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tổ chức Bộ Nội vụ với cơ quan Văn phòng và 6 nha trong đó có Nha Dân tộc thiểu số, có nhiệm vụ: “Xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc về các dân tộc thiểu số trong nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam”. Đây là văn bản pháp lý cao nhất và cũng là văn bản đầu tiên về thành lập cơ quan chuyên trách về công tác dân tộc của Chính phủ.


Sự ra đời của cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với địa bàn dân tộc, miền núi, với công tác vận động đồng bào các dân tộc cùng chung vai gánh vác sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới. Sự quan tâm đó được thể hiện xuyên suốt trong đường lối của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngay thời kỳ đầu mới thành lập Đảng, nhiều thanh niên ưu tú là con em của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn... đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng và trở thành cán bộ nòng cốt ở Trung ương và địa phương. Ngày 28/3/1935, Đại hội Đảng lần thứ nhất ra Nghị quyết riêng về vận động đồng bào các dân tộc thiểu số, Nghị quyết nêu rõ: “Trung ương, các xứ ủy và các tỉnh ủy (trong những tỉnh có dân tộc thiểu số) phải cử ra một số người chuyên môn nghiên cứu và chỉ đạo công tác vận động trong các dân tộc thiểu số”. Nhờ có đường lối đúng đắn vận động đồng bào các dân tộc thiểu số nên đồng bào các dân tộc ngày càng tin yêu, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ và vùng núi phía Bắc đã trở thành căn cứ địa vững chắc của cách mạng Việt Nam. Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, nhưng đất nước vẫn bị kẻ thù chia cắt. Nhằm củng cố và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kháng chiến, kiến quốc thắng lợi, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ngày 3/12/1945 tại Hà Nội, Đại hội được tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới Đại hội. Thư của Người khẳng định: “Nhờ sự đoàn kết giữa các dân tộc, nhờ sự hy sinh của tất cả các đại biểu mà chúng ta tranh được quyền tự do, độc lập và xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Từ đây về sau các dân tộc đã đoàn kết phải đoàn kết thêm nữa để giữ gìn quyền độc lập cho vững vàng để xây dựng một nước Việt Nam mới”. Ngày 19/4/1946, Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Playku, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi đến Đại hội những dòng thư thể hiện sâu sắc tình cảm của Bác, của Đảng, của Chính phủ đối với đồng bào cùng niềm tin vào sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để bảo vệ Chính phủ, bảo vệ non sông đất nước, để giữ vững quyền tự do, độc lập của Tổ quốc Việt Nam. Bởi “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt” và “Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có Nha Dân tộc thiểu số để săn sóc cho tất cả các đồng bào”.


Truyền thống đoàn kết và tinh thần nồng nàn yêu nước của đồng bào các dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được phát huy cao độ, tạo nên sức mạnh to lớn cùng quân và dân cả nước đánh thắng thực dân, đế quốc xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thu non sông về một mối, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc.


Cùng với nhân dân cả nước, đồng bào các dân tộc của Thủ đô Hà Nội đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đồng bào các dân tộc thiểu số Thủ đô có nhiều tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý. Toàn thành phố đã có 31 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 561 gia đình thương binh, 934 gia đình liệt sỹ là người dân tộc thiểu số.


Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội và đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trò chuyện với đồng bào dân tộc

Bước vào thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước và Thủ đô giàu mạnh, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Uỷ ban Dân tộc, của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố và cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan thuộc Uỷ ban Dân tộc, các Sở, ban, ngành của Thành phố và sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc từ Thành phố đến cơ sở, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn Thủ đô đã đạt được những kết quả đang phấn khởi, như: Đã thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX tại Hội nghị lần thứ bảy về công tác dân tộc, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, khoá IX về công tác dân tộc, Chương trình 134,135 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình xóa đói, giảm nghèo, cùng với nhiều chương trình dự án của TW, của Thành phố về chính sách phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, chính sách đào tạo bồi dưỡng cán bộ, chính sách đối với người có uy tín trong cộng đồng… Đặc biệt, Ban Dân tộc Thành phố đã tham mưu Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 31/10/2011 và UBND đã ban hành Kế hoạch 166/KH-UBND giai đoạn 2013-2015 và tiếp theo là  Kế hoạch số 138/KH-UBND giai đoạn 2016-2020 về Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi của Thủ đô Hà Nội, theo đó, Thành phố đã đầu tư trên 3.000 tỷ đồng. Công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn các chủ trương, đường lối, các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cho đồng bào các xã vùng dân tộc miền núi của Thành phố được quan tâm thường xuyên.


Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố tặng quà các hộ nghèo xã Ba Vì,huyện Ba Vì


Với sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở, sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số cùng đóng góp của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc của Thành phố đã luôn đi sát cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đồng bào dân tộc, kịp thời tham mưu với cấp uỷ, chính quyền các cấp để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án đã tạo nên những thay đổi tích cực trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh ở vùng dân tộc miền núi, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng với tốc độ nhanh đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển rộng khắp trong đồng bào ở các thôn bản; nhiều lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp, các thiết chế văn hóa cổ truyền được khôi phục, bảo tồn và phát huy. Nhiều gia đình là hộ dân tộc thiểu số ở các xã, phường, thị trấn kể cả ở nội thành và ngoại thành được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc miền núi có nhiều tiến bộ, các hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm khám chữa bệnh miễn phí. Sự quan tâm cùng kết quả đạt được đó đã củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Khối đại đoàn kết các dân tộc được nâng cao.


Đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND Thành phố chủ trìHội nghị Đánh giá kết quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn Thủ đô


Bên cạnh những kết quả thành tích đã đạt được, vùng dân tộc thiểu số miền núi Thủ đô hiện cũng còn những khó khăn. Hạ tầng kinh tế - xã hội chưa thật đồng bộ và nhanh xuống cấp, trình độ dân trí nhìn chung còn hạn chế, trình độ tổ chức sản xuất thấp, sản xuất chưa gắn với thị trường, năng suất lao động thấp, bản sắc văn hóa có mặt bị mai một, đời sống một bộ phận đồng bào còn khó khăn, số hộ nghèo còn cao, mức sống so với vùng đồng bằng và đô thị đang còn khoảng cách. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc còn thiếu và có những hạn chế nhất định...


Những thành tựu đạt được cả những mặt còn hạn chế, thiếu sót trong công tác dân tộc và trong thực hiện chính sách dân tộc của Thủ đô được xem xét, đánh giá đầy đủ trong Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III được tổ chức ở cấp huyện và Thành phố trong năm nay, để từ Đại hội những bài học kinh nghiệm được rút ra, những giải pháp tích cực phù hợp được đề xuất với lãnh đạo Thành phố, với Đảng, Chính phủ nhằm mục tiêu đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số Thủ đô nói riêng và vùng dân tộc, miền núi của cả nước nói chung.


Là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc của Thành phố, nhiệm vụ trọng tâm của Ban Dân tộc Thành phố là phải cụ thể hoá các chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và đưa chủ trương, đường lối, chính sách ấy đến với các cấp, các ngành qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc. Đồng thời đi sâu điều tra, nghiên cứu thực tế nhiều đặc thù của vùng dân tộc, miền núi và của đồng bào dân tộc thiểu số, tìm ra những ngăn trở ảnh hưởng đến sự phát triển của các dân tộc, cùng những vấn đề đặt ra trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, quốc phòng, an ninh trên địa bàn để đề xuất với Đảng, Nhà nước và Thành phố ban hành chính sách cho phù hợp với vùng dân tộc, miền núi.


Vùng đồng bào dân tộc, miền núi của Thủ đô hôm nay


Ngày 14 tháng 10 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 1491/QĐ-TTg quyết định lấy ngày 03 tháng 5 hàng năm (ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 58 tổ chức Bộ Nội Vụ, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số) là “Ngày truyền thống của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc”. Quyết định nói rõ: Việc tổ chức Ngày truyền thống của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc phải thiết thực, tiết kiệm, có hiệu quả, tránh hình thức, tập trung vào giáo dục truyền thống cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc. Động viên cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, vì sự phát triển cua các dân tộc thiểu số; tích cực tham gia các phong trao thi đua yêu nước, chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nha nước; Có các hình thức biểu dương, khen thưởng thích hợp đối với các tập thể, cá nhân có thành tích trong thưc hiện nhiệm vụ, xây dựng cơ quan và gương mẫu trong thưc hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.


Huyện Quốc Oai chúc mừng Ban Dân tộc Thành phố nhân Kỷ niệm 73 năm ngày truyền thống cơ quan làm công tác dân tộc


Kỷ niệm ngày truyền thống của cơ quan làm công tác dân tộc đòi hỏi mỗi cán bộ làm công tác dân tộc trên địa bàn Thành phố phải quán triệt sâu sắc các quan điểm về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, nhất là các quan điểm, phương hướng nhiệm vụ nêu trong các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVI; tăng cường đoàn kết, nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sâu sát cơ sở; chủ động tham mưu cho Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc của Trung ương và Thành phố trên địa bàn, đặc biệt là làm thật tốt công tác chuẩn bị tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ III năm 2019; triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 trong đó phấn đấu hoàn thành Kế hoạch trong năm 2019./.


Nguyễn Tất Vinh, Trưởng Ban Dân tộc Thành phố

in Quay trở lại
Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào các dân tộc
Dự báo thời tiết
Thành phố:

25oC

Độ ẩm: 91%

Tốc độ gió: 9 km/hkm/h

Cập nhật lúc 18:36:20
ngày 2024-03-28